Nguyễn Đức Cảnh - người chiến sỹ cộng sản lỗi lạc: Những năm đầu thành lập Đảng

Thứ Năm, 15/11/2007, 09:27
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh không chỉ là cán bộ lỗi lạc mà còn là nhà lý luận với những tác phẩm báo chí đầy tính chiến đấu. Với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh mãi mãi là tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng để lại cho mỗi thế hệ chúng ta hôm nay và mai sau.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908, tại xã Diêm Điền, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh, nay thuộc thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, Thái Bình trong một gia đình nho giáo có truyền thống yêu nước. Bản tính thông minh, Nguyễn Đức Cảnh đựơc mẹ đưa về Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Phòng, theo học Trường Hương học.

Xong bậc tiểu học ở Vĩnh Bảo, Nguyễn Đức Cảnh học tiếp ở Trường Thành Chung, Nam Định. Ở đây, anh cùng nhiều bạn học đã tham gia các phong trào đòi thả Phan Bội Châu (1925), để tang Phan Chu Trinh (1926) và vì thế bị đuổi học.

Nguyễn Đức Cảnh sau đó lên Hà Nội vào làm thư ký cho hiệu ảnh Hưng Ký, rồi làm giáo viên Trường tư Côn Ích. Do truyền bá tư tưởng yêu nước trong giờ dạy cho học sinh nên Hiệu trưởng nhà trường rất lo sợ, đã yêu cầu anh chỉ được dạy đúng nội dung sách giáo khoa do Nhà nước bảo hộ quy định.

Nguyễn Đức Cảnh thôi việc, vào làm thợ ở nhà in Mạc Đình Tư. Thời gian này, ở Hà Nội có "Nam Đồng thư xã" do nhóm Phạm Tuấn Tài (Nam Định) tổ chức đã ấn hành một số tác phẩm tiến bộ truyền bá tinh thần dân tộc. Ngày 25/12/1927, nhóm này là nòng cốt xây dựng Đảng Việt Nam Quốc dân do Nguyễn Thái Học - Nguyễn Khắc Nhu làm thủ lĩnh. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tham gia tổ chức và là một cán bộ xuất sắc.

Cũng thời điểm đó, Thanh niên Cách mạng đồng chí hội (do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập từ tháng 6/1926) đã có cơ sở khá rộng cả ở trong và ngoài nước. Được dự lớp huấn luyện của Tổng bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, qua các bài giảng và cuốn "Đường Kách mệnh" của Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh thấy rõ chỉ có theo đúng đường lối cứu nước của Nguyễn Ái Quốc mới giải phóng được dân tộc, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân và đã tự nguyện gia nhập tổ chức tiền thân này của Đảng.

Vào giữa năm 1929, phong trào công nhân, phong trào yêu nước phát triển mạnh, những người tiên tiến trong Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, được rèn luyện trong phong trào vô sản hoá, thấy phải cải tổ Hội để thành lập một chính đảng Cộng sản.

Tháng 3/1929, Chi bộ Cộng sản đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội gồm 7 người tiêu biểu là Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Trần Văn Cung (tức Quốc Anh).

Tiếp đó, ngày 17/6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập với sự đóng góp tích cực to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Đồng chí tham gia Ban chấp hành lâm thời, trực tiếp chỉ đạo, tổ chức Công hội Đỏ. Ngày 28/9/1929, tại Đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bầu làm Tổng thư ký và phụ trách tờ báo "Lao động" và tạp chí "Công hội Đỏ".

Ngày 28/9, sau này được lấy làm ngày truyền thống của giai cấp công nhân và Tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Tại Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập (từ 3/2 đến 7/2/1930) tại Cửu Long (Hương Cảng), đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp làm Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng (gồm Hải Phòng, Kiến An, Quảng Yên, Hòn Gai).

Đồng chí đã kiện toàn 14 chi bộ với 100 đảng viên, phát triển các tổ chức Công hội Đỏ, Nông hội Đỏ, Thanh niên đoàn, Phụ nữ giải phóng. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh còn mở nhiều lớp huấn luyện chính trị, tổ chức ấn hành tờ "Sao đỏ" - cơ quan của Tỉnh Đảng bộ, tờ "Tia lửa" - cơ quan của Tỉnh đoàn thanh niên.

Tháng 4/1930, đồng chí tổ chức đón, bảo đảm an toàn Tổng Bí thư Trần Phú về khảo sát phong trào công nhân Hải Phòng. Đồng chí Trần Phú đánh giá cao kinh nghiệm công vận của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Nguyễn Đức Cảnh, phong trào đấu tranh của công nhân, thủy thủ, nông dân, thanh niên... Hải Phòng, Quảng Ninh diễn ra sôi nổi, giành nhiều thắng lợi.

Năm 1930, cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh bị đàn áp dữ dội. Cuối tháng 10/1930, Đảng điều đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bổ sung vào Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ. Bất chấp mọi nguy hiểm, gian lao, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cùng cán bộ của Xứ ủy Trung Kỳ nỗ lực giữ vững tinh thần quần chúng, chắp nối cơ sở để bảo toàn lực lượng, bảo vệ nhân dân.

Tháng 4/1931, trên đường công tác, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị địch bắt ở làng Yên Dũng Hạ, gần thành phố Vinh. Địch tra tấn cực kỳ dã man nhưng không lung lạc được người chiến sỹ Cộng sản kiên trung. Trong xà lim án chém, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tập trung sức để viết cuốn "Công nhân vận động". Đây là bản tổng kết có giá trị chuyển ra cho Đảng.

5h sáng 31/7/1932, thực dân Pháp đã xử chém đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân - một cán bộ lãnh đạo của Tỉnh bộ Bắc Giang - Bắc Ninh. Cả hai chiến sỹ Cộng sản hiên ngang, thanh thản bước lên đoạn đầu đài, trước sự kinh ngạc, nể phục của kẻ thù.

Nguyễn Đức Cảnh không chỉ là cán bộ lỗi lạc mà còn là nhà lý luận. Nhiều tác phẩm báo chí đầy tính chiến đấu của đồng chí đang được sưu tầm. Sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được ghi đậm trong các bộ chính sử Đảng, Nhà nước ta ở thời kỳ đầu thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam cùng tên tuổi của các học trò đặc biệt xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc như: Trần Phú, Ngô Gia Tự...

Ở Hải Phòng, thân thế sự nghiệp của đồng chí được ghi trân trọng trong nhiều bộ sử Đảng, sử các tổ chức chính trị xã hội, đuợc ghi vào chương trình sách giáo khoa của địa phương.

Với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh mãi mãi là tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng để lại cho mỗi thế hệ chúng ta hôm nay và mai sau

Nhà sử học Ngô Đăng Lợi
.
.
.