Ngư dân cần hiểu biết để không vi phạm chủ quyền vùng biển nước khác

Thứ Hai, 15/05/2017, 09:58
Thời gian qua, không ít chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân ở các tỉnh, thành phố ven biển cả nước đã xâm phạm vào vùng biển các nước láng giềng đánh bắt hải sản, dẫn tới những hậu quả khôn lường.

Trong năm 2016, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tìm kiếm cứu nạn 23 tàu cá, 278 ngư dân. Bên cạnh đó, hai bên đã phối hợp tham gia tiếp cận và trao trả 288 ngư dân Việt Nam bị Indonesia bắt giữ và trao trả trên biển tháng 9-2016. Riêng việc ngư dân Việt Nam vi phạm đánh bắt trên vùng biển của Indonesia trong những năm qua diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng đột biến.

Chỉ tính riêng năm 2016, số lượng ngư dân Việt Nam bị phía Indonesia bắt đã lên tới gần 1.100 người. Ngư dân vi phạm vì nhiều lý do nhưng cho thấy vấn đề quản lý hoạt động khai thác trên biển và công tác tuyên truyền pháp luật trên biển cho ngư dân, thời gian qua, vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả.

Gần đây nhất, ngày 5-4-2017, có 39 ngư dân Việt Nam được Indonesia trao trả cho đại diện ngoại giao Việt Nam. Nhóm ngư dân này chủ yếu quê ở Kiên Giang và Bình Định, bị giam giữ 5-7 tháng tại đảo Pontianak, tỉnh Kalimantan. Trong dịp này, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã hoàn thành thủ tục bảo hộ công dân để đưa tổng cộng 111 ngư dân về nước.

Đây là đợt trao trả ngư dân Việt Nam lớn nhất từ đầu năm đến nay. Từ đầu năm đến nay đã có 42 tàu với 392 ngư dân bị bắt giữ. Từ năm 2014 đến nay, Indonesia chủ trương xử lý cứng rắn với các tàu đánh bắt cá nước ngoài vi phạm vùng biển nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản và giữ chủ quyền quốc gia. Mới đây, ngày 1-4, nước này đã cho đánh chìm 81 tàu cá nước ngoài tại 12 địa điểm trên khắp cả nước, trong đó có nhiều tàu cá của Việt Nam.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tuyên truyền pháp luật cho ngư dân.

Trong hơn 2 năm áp dụng các biện pháp mạnh, đã có 317 tàu thuyền nước ngoài vi phạm đánh bắt trái phép tại các vùng biển thuộc chủ quyền của Indonesia bị tịch thu và phá hủy.

Kiên Giang, Cà Mau, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) là những địa phương có lượng phương tiện đánh bắt hải sản lớn của cả nước. Trong đó, có hàng chục ngàn tàu cá công suất lớn khai thác hải sản theo mô hình đánh bắt xa bờ. Hằng năm, lực lượng chức năng của các địa phương đã chỉ đạo, tổ chức hàng trăm buổi họp dân, tuyên truyền về luật biển, an toàn hàng hải và viết cam kết không đánh bắt vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài.

Mặc dù đã rất nỗ lực tuyên truyền, nhắc nhở bằng nhiều hình thức nhằm giảm thiểu mọi rủi ro, thiệt hại cho bà con khi vươn khơi. Tuy nhiên, qua thực tế, tình trạng ngư dân vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn ra, có chiều hướng gia tăng và phức tạp hơn.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc các tàu đánh cá Việt Nam bị bắt giữ trong thời gian qua là hầu hết chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân còn thiếu hiểu biết về ranh giới địa lý, biên giới trên biển của các nước trong khu vực cũng như kiến thức về pháp luật các nước. Đến khi bị bắt, tịch thu ngư cụ, họ mới biết mình đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của nước sở tại.

Qua các vụ việc xảy ra gần đây, ngư dân cần được trang bị những kiến thức pháp luật cơ bản trên biển. Trước khi ra khơi, các tàu cần phải kiểm tra toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc, máy định vị tọa độ, la bàn, sơ đồ vùng biển và vật dụng an toàn hàng hải. Ngoài ra, ngư dân lao động trên các tàu phải kịp thời trình báo với cơ quan chức năng khi phát hiện chủ tàu, thuyền trưởng có dấu hiệu tổ chức đưa tàu sang vùng biển nước ngoài đánh bắt; tuyệt đối không được chống trả khi xác định rõ mình đã vi phạm vùng biển nước ngoài, hoặc xác định rõ tàu nước ngoài là lực lượng thực thi pháp luật trên biển.

Nếu bị bắt giữ, ngư dân cần chấp hành nghiêm các yêu cầu, quy định về dẫn độ, khai báo trung thực và tìm mọi cách báo ngay về cơ quan chức năng Việt Nam để có biện pháp giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Để giảm thiểu tình trạng ngư dân vi phạm việc đánh bắt trên vùng biển của quốc gia khác, năm 2017, các lực lượng chức năng sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát ngăn chặn các trường hợp tàu cá Việt Nam sử dụng AIS (Automatic Identification System) là một hệ thống thông tin liên lạc cho phép các tàu trao đổi các thông tin về nhận dạng vị trí, hướng, tốc độ với nhau hoặc trao đổi với các trạm trên bờ) cài mã của quốc gia khác.

Phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân đăng ký mã AIS miễn phí tại tất cả các đài thông tin duyên hải địa phương ven biển. Phối hợp trao đổi thông tin, tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền ngăn chặn tình trạng tàu cá Việt Nam xâm phạm các vùng biển nước ngoài đánh bắt thủy hải sản. Phối hợp trong việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải trên các vùng biển Việt Nam và vùng biển theo Hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và quốc gia khác. Phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho các tổ chức, cá nhân hoạt động nghề cá trên các vùng biển về văn bản quy phạm phát luật và văn bản pháp luật có liên quan…

Hải Âu
.
.
.