Ngoại giao Việt Nam phải làm tốt vai trò tham mưu đột phá về kinh tế

Thứ Ba, 23/08/2016, 14:56
"Các lĩnh vực đối ngoại khác sẽ phục vụ cho ngoại giao kinh tế. Để xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, cần xây dựng ngành ngoại giao kiến tạo, năng động, chủ động, sáng tạo" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Ngày 23-8, bước sang ngày làm việc thứ 2, Hội nghị Ngoại giao toàn quốc lần thứ 29 đã tiến hành hai phiên thảo luận. Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBND Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã tới dự. 

Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí UVTW Đảng, Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành TƯ, Chủ tịch và lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, nguyên lãnh đạo Đảng và Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ, đại diện các doanh nghiệp và Trưởng các cơ quan đại diện.

Hội nghị đã nghe các tham luận của Chủ tịch UBND Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà; Đại sứ Việt Nam tại Đức, Đại sứ Việt Nam tại Nhật, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ; Đại sứ Việt Nam tại Nga…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị. ảnh: Doãn Tấn
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh rằng những thành tựu của đất nước sau 30 năm đổi mới có sự đóng góp to lớn của ngành Ngoại giao. 

Việt Nam đã được vinh danh là một trong những quốc gia hoàn thành nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ nổi bật; hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, độ mở của nền kinh tế rất cao… Tuy nhiên, theo đánh giá của Thủ tướng, những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với trình độ chung của thế giới... 

Khẳng định việc hội nhập kinh tế vẫn là trọng tâm của ngành ngoại giao, Thủ tướng nói: “Các lĩnh vực đối ngoại khác sẽ phục vụ cho ngoại giao kinh tế. Để xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, cần xây dựng ngành ngoại giao kiến tạo, năng động, chủ động, sáng tạo". 

Để nền kinh tế Việt Nam tham gia sâu sắc trong chuỗi giá trị toàn cầu, nhà ngoại giao phải năng động, đổi mới xúc tiến thương mại và đầu tư, không để Việt Nam lạc hậu, bất công, thua thiệt trước các tập đoàn đa quốc gia trong sân chơi kinh tế toàn cầu. Muốn thế, ngoại giao Việt Nam phải là ăng-ten nhạy cảm dự báo tình hình thế giới để làm tốt vai trò tham mưu, dự báo cho nền kinh tế.

Đưa ra 5 vấn đề mấu chốt mà ngành ngoại giao phải thực hiện trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với lợi thế quan hệ gần 200 nước, 90 cơ quan đại diện, Bộ Ngoại giao phải gắn bó hợp tắc chặt chẽ với các địa phương, các Bộ, ngành có liên quan và đặc biệt là 63 tỉnh thành cả nước. 
Toàn cảnh Hội nghị ngày 23-8. ảnh: Doãn Tấn

Cán bộ ngoại giao phải tạo hình ảnh, vị thế của Việt Nam ở các nước sở tại, hòa đồng cộng đồng doanh nghiệp sở tại để biết sản phẩm nào tiêu thụ được rồi hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước; hiểu sâu sắc văn hóa nước sở tại để có những tham mưu tốt, mang tính hiệu quả cao. 

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý rằng, Bộ Ngoại giao cần thí điểm đánh giá kết quả ngoại giao kinh tế của các cơ quan đại diện một cách cụ thể dựa trên quy tắc đánh giá là phản hồi của người hưởng lợi để có những hướng đi mới thúc đẩy phát triển lĩnh vực này. 

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng bày tỏ mong muốn, với phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng về công tác xây dựng chính phủ kiến tạo, trong đó có ngoại giao kiến tạo, Hội nghị Ngoại giao toàn quốc lần thứ 29 sẽ quán triệt sâu sắc về nội dung chính phủ kiến tạo, ngoại giao kiến tạo, đặc biệt là chuyển đổi tư duy ngoại giao phục vụ phát triển, phục vụ công cuộc xây dựng đất nước theo hướng hiện đại.

Huyền Chi
.
.
.