Nghị quyết Trung ương 4 cụ thể hoá Di chúc của Bác về xây dựng Đảng

Thứ Hai, 25/08/2014, 06:39
Vấn đề đầu tiên trong Di chúc, Bác Hồ nói về Đảng. Bác viết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Bác nhấn mạnh: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Và điều tâm nguyện cuối cùng nêu trong Di chúc, một lần nữa Bác căn dặn: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Như vậy, Bác đã căn dặn, nhấn mạnh và nhắc lại 5 lần từ "đoàn kết" khi nói về Đảng, khẳng định đoàn kết là điều kiện tất yếu, giữ vai trò nền tảng để Đảng xây dựng, phát triển, lãnh đạo toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong Di chúc, Bác Hồ lưu ý cả điều kiện, phương pháp, cách thức tổ chức cho Đảng, trong đó nhấn mạnh yếu tố then chốt là phẩm chất của người cán bộ, đảng viên, bởi cán bộ là cái gốc của mọi việc. Đạo đức cách mạng theo tư tưởng của Người có 2 nội hàm quan trọng: "trung với nước, hiếu với dân" và "cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư".

Đây cũng là các nội dung được Bác nhắc đến nhiều nhất trong các bài nói, bài viết của mình về đạo đức cách mạng. Trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc”, Bác nói: “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Bác Hồ nhấn mạnh đạo đức cách mạng là cái gốc, cái căn bản nhất của người cách mạng.

Bác luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến làng xã “phải nhớ mình là công bộc của dân, ra làm việc là để gánh vác việc chung của dân, mọi chủ trương, chính sách phải lấy lợi ích của Đảng, của dân làm gốc” bởi vì “Đảng ta là Đảng chỉ có một điều là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, ngoài ra không còn lợi ích nào khác” (Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, tập 8, tr766). Trong việc xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, Bác quan tâm, bồi dưỡng toàn diện cả vật chất và tinh thần, nhưng Người vẫn đặt lên hàng đầu vấn đề bồi dưỡng về đạo đức cách mạng, về lý tưởng cách mạng. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, khi trở thành Ðảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy trước hoàn cảnh mới, người cán bộ, đảng viên có chức, có quyền dễ bị quan liêu, hách dịch, tha hóa, biến chất. Người nói: "Có những người trong lúc đấu tranh thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng. Song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng"...

45 năm kể từ ngày Bác đi xa, những vấn đề Bác đặt ra trong Di chúc vẫn vẹn nguyên tính thời sự. Ứng với mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, lấy yêu cầu giữ gìn đoàn kết làm hạt nhân trong công tác Đảng. Từ khi thực hiện đường lối đổi mới, qua các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) chỉ rõ: Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...

Để tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới, Trung ương Đảng xác định cần tiếp tục thực hiện tốt 8 nhiệm vụ trong công tác xây dựng Đảng mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề ra, coi đó là những nhiệm vụ vừa cơ bản, vừa lâu dài và phải thực hiện thường xuyên, có hiệu quả, đồng thời tập trung cao độ để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt ba vấn đề cấp bách. Trong đó, vấn đề đầu tiên là kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng. Đề ra giải pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, chất lượng của đảng viên, nhất là việc ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng.

Việc thực hiện Di chúc cũng như các tư tưởng lớn của Bác là công việc thường xuyên, liên tục, ở mỗi giai đoạn cách mạng cần cụ thể hoá bằng các giải pháp, hành động cụ thể, thiết thực. Mỗi cán bộ, đảng viên cần có nhận thức sâu sắc các chỉ huấn của Bác, trong đó có vấn đề xây dựng Đảng, từ đó đóng góp vai trò xây dựng Đảng nhằm làm cho Đảng thật trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất

T.C.T.
.
.
.