Nghị quyết 28-NQ/TW: Hoàn thiện bộ máy tổ chức thực hiện BHXH
Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách bảo hiểm xã hội.
Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cơ bản của cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đối với bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội.
Hai là, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội.
Thể chế hoá các chủ trương và hoàn thiện pháp luật, chính sách về bảo hiểm xã hội phải kết hợp với hoàn thiện pháp luật, chính sách về chế độ tiền lương, việc làm, chính sách người có công với cách mạng và các chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực có liên quan khác.
Sửa đổi, bổ sung pháp luật về bảo hiểm xã hội theo hướng tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân; thiết kế hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; hoàn thiện các quy định về đóng - hưởng bảo hiểm xã hội, bảo đảm các nguyên tắc công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.
Rà soát, sửa đổi các quy định về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, gắn với việc đẩy mạnh đàm phán, ký kết hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội.
Sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động, khắc phục tình trạng gian lận, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp. Có quy định cụ thể và cơ chế quản lý chặt chẽ việc đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo đảm việc đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội an toàn, bền vững, hiệu quả.
Hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi bảo hiểm xã hội theo hướng cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội và cơ quan quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội có thẩm quyền xử phạt các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi bảo hiểm xã hội; đồng thời, các doanh nghiệp và người lao động có quyền khiếu nại, hoặc khởi kiện cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội nếu phát hiện có sai phạm trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội.
Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.
Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, nhất là trong việc hoạch định chiến lược phát triển, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo hiểm xã hội.
Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Nâng cao tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội thông qua thực hiện đồng bộ các biện pháp hành chính, kinh tế, tư pháp để tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội, đi đôi với chú trọng tăng số người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội, đặc biệt là chế độ hưu trí.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi tiền bảo hiểm xã hội.
Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để đẩy mạnh việc phân cấp cho các cơ quan bảo hiểm xã hội; thực hiện giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cho các địa phương; phân định rõ quản lý nhà nước với quản trị bộ máy tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội.
Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu giữa cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính, thuế, lao động để nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và thực thi chính sách bảo hiểm xã hội. Nâng cao năng lực và hiệu quả công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về bảo hiểm xã hội. Xây dựngcơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng cung ứng dịch vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Bốn là, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Hoàn thiện bộ máy tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khoá XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội. Thực hiện chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán và thông tin báo cáo về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; hoàn thiện, đẩy mạnh kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với các hệ thống cơ sở dữ liệu có liên quan nhằm phục vụ tốt công tác thực hiện chính sách và công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách.
Tiếp tục hiện đại hóa quản lý bảo hiểm xã hội, đầu tư phát triển công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến trong tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Kịp thời ngăn chặn tình trạng gian lận, trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Triển khai có hiệu quả các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động. Chi phí tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp lấy từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, không lấy từ ngân sách nhà nước.
Có cơ chế tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động biến động nhanh chóng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang làm biến đổi cấu trúc của thị trường lao động.
Năm là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt trong phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Về tổ chức thực hiện, Nghị quyết giao các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động với lộ trình và phân công cụ thể trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của từng ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị.
Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo việc xây dựng luật, pháp lệnh phục vụ triển khai thực hiện Nghị quyết; tăng cường giám sát việc cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hướng tới mục tiêu tiến bộ, công bằng, bền vững, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức việc học tập, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết, kết quả thực hiện Nghị quyết.
Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết và định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư./.