Nghe dân nói, làm để dân tin

Thứ Năm, 09/02/2012, 09:17
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) vừa ra đời, khẳng định xây dựng và chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách. Để thực hiện nhiệm vụ đó, đòi hỏi từ cấp ủy Đảng đến mỗi đảng viên phải nêu cao tính tiên phong gương mẫu; trong mọi chủ trương, biện pháp đều phải xuất phát từ lợi ích của dân, do dân và vì dân.

Với tinh thần ấy, dư luận những ngày gần đây đồng tình và hoan nghênh lãnh đạo TP Hà Nội và TP Hải Phòng đã rất kịp thời, cầu thị và thực sự xuất phát từ thực tiễn đời sống, lợi ích của người dân để có những quyết định sáng suốt, hợp lòng dân.

Trước hết với Hà Nội, việc thực hiện đổi giờ học,giờ làm, được triển khai từ đầu tháng 2, đã bước đầu mang lại những kết quả tích cực; nhưng cũng có những hiệu ứng, bất cập ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của nhân dân. Nổi bật nhất vẫn là đối tượng học sinh bậc THPT. Với lịch học thay đổi, nhiều em phải ra khỏi nhà khi trời còn chưa sáng rõ và tới tận 19h mới được rời khỏi trường, dù rằng các em đã tan học từ trước đó 2 tiếng. Hệ quả là, nhiều em về đến nhà khi đã tám, chín giờ tối, nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và kết quả học tập.

Lắng nghe ý kiến của nhân dân (thông qua báo chí và nhiều kênh thông tin khác), sau 1 tuần triển khai đổi giờ học/giờ làm/giờ kinh doanh, lãnh đạo TP đã họp với các cơ quan chức năng và quyết định thay đổi giờ tan lớp của khối học sinh THPT vào trước 18h. Như đồng chí Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, chiều 6/2 vừa qua chỉ đạo: Điều chỉnh giờ học, giờ làm, giờ kinh doanh chỉ là một trong nhiều biện pháp mà Hà Nội đang triển khai thực hiện nhằm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông. Vì vậy đừng nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào đó, để khi không đạt được kỳ vọng, lại đánh giá biện pháp này thất bại…".

Qua ý kiến này, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã nhanh chóng thống nhất có những điều chỉnh kịp thời để khắc phục những bất cập, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân Thủ đô. Từ trước tới nay, ít khi có sự thay đổi nhanh chóng với một quyết định nào đó của chính quyền sau khi được triển khai thực hiện. Rõ ràng, lãnh đạo TP Hà Nội đã xuất phát từ lợi ích của người dân để đi đến quyết định điều chỉnh giờ học/giờ làm; đồng thời cũng vì người dân mà kịp thời điều chỉnh để có biện pháp phù hợp, khả thi hơn.

Với TP Hải Phòng, sau những xôn xao về vụ cưỡng chế đất tại huyện Tiên Lãng, lãnh đạo thành phố đã có những quyết định, xử lí cương quyết các cán bộ có khuyết điểm, sai sót. Ở đây cũng cần khẳng định, một số người trong gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã manh động chống lại lực lượng làm nhiệm vụ khiến 6 Công an, bộ đội bị thương là hành vi nguy hiểm cho xã hội, cần phải xử lý nghiêm theo pháp luật.

Với quyết định đình chỉ công tác, kiểm điểm một số cán bộ liên quan từ Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng đến Bí thư, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang; Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã thể hiện sự công tâm và dũng cảm. Để đi đến quyết định này, những đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Thành ủy, UBND TP Hải Phòng chắc chắn ý kiến của cán bộ, nhân dân với tinh thần cầu thị và chấp hành nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với việc thừa nhận thiếu sót, khuyết điểm; lãnh đạo TP Hải Phòng cũng đưa ra một số chủ trương và biện pháp nhằm giải quyết triệt để vụ việc.

Có thể nói, chỉ trong một tuần qua, tại hai thành phố lớn của đất nước, lãnh đạo Hà Nội và Hải Phòng đã có những quyết định kịp thời, hợp lòng dân. Âu cũng là kết quả của việc lắng nghe dân nói, làm để dân tin - theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)

K.A.
.
.
.