Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 3

Thứ Ba, 26/04/2016, 17:58
Ngày 26-4-2016, tại Hà Nội, ngành Ngân hàng Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh Kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam (6/5/1951 – 6/5/2016) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 3.

Tham dự Lễ mít tinh Kỷ niệm 65 năm thành lập ngành Ngân hàng có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Văn Bình – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; các đồng chí nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Bí thư, Chủ tịch UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, địa phương...

Tại Lễ mít tinh, ngoài triển lãm ảnh về hoạt động ngân hàng qua các thời kỳ còn có chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc kết hợp trình chiếu phim lịch sử 65 năm ngành Ngân hàng.

Chương trình nghệ thuật gồm 4 chương khắc họa toàn diện bức tranh lịch sử tiền tệ Việt Nam với những thước phim tài liệu quý báu về những ngày đầu giành lại nền độc lập, chính quyền non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đối mặt vô vàn khó khăn nhưng với niềm kính yêu, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân ta đã đoàn kết một lòng hiến dâng tài sản cá nhân mình cho sự hưng thịnh của dân tộc. Chính từ đó, dòng tiền tệ đã được khởi nguồn từ lòng yêu nước đó. Cho đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam vào ngày 6-5-1951 - tiền thân của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày nay - đã mở đầu một thời kỳ lịch sử cho sự phát triển của nền tiền tệ độc lập.

Sự ra đời của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đánh dấu bước trưởng thành của ngành Ngân hàng Việt Nam kể từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, lần đầu tiên, nước ta có được một ngân hàng độc lập, tự chủ của chính quyền nhân dân; cũng từ đây, hệ thống Ngân hàng Việt Nam được tổ chức theo quy mô lớn, hoạt động theo nguyên tắc tập trung thống nhất, đóng vai trò nòng cốt trong hệ thống tài chính - tiền tệ của đất nước.

Trải qua 65 năm xây dựng, củng cố, phát triển, đổi mới và hội nhập, ngành Ngân hàng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, có những bước phát triển vượt bậc góp phần tạo nên sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực kinh tế, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cũng như xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những bước đổi mới căn bản trong xây dựng cơ chế chính sách, chỉ đạo điều hành, thực thi chính sách tiền tệ; qua đó, hoạt động ngân hàng tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, tạo lập nền tảng cho định hướng phát triển của hệ thống ngân hàng ổn định, lành mạnh, có sức cạnh tranh, là kênh dẫn vốn hiệu quả trong quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam.

Ghi nhận những thành tựu và đóng góp to lớn của ngành Ngân hàng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước đã trao tặng ngành Ngân hàng Huân chương Sao vàng năm 2006, Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 1 năm 1996, Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2 năm 2011; 3 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh Hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 12 đơn vị trong Ngành được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, hàng trăm đơn vị, hàng ngàn cán bộ ngân hàng được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý khác…Đặc biệt, tại buổi lễ, NHNN đã vinh dự được đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 3.

 Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tích và những đóng góp to lớn của ngành Ngân hàng đã đạt được trong thời gian qua. Trong những năm tháng cam go của hai cuộc Kháng chiến vĩ đại giành độc lập của dân tộc, đặc biệt là thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lớp lớp cán bộ ngành Ngân hàng đã không quản hy sinh, gian khổ, thực hiện tốt sứ mệnh cung cấp nguồn lực tài chính, tín dụng phục vụ công cuộc kháng chiến kiến quốc. Song hành cùng Đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển, ngành Ngân hàng đã viết nên “Huyền thoại con đường tiền tệ” anh hùng, sáng tạo, quả cảm, đóng góp vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

“Từ khi đất nước được thống nhất, ngành Ngân hàng luôn đóng vai trò là hệ thống huyết mạch cung cấp vốn tín dụng cho nền kinh tế, góp phần khắc phục hậu quả của chiến tranh, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Trong 30 năm đổi mới, ngành Ngân hàng cũng đi đầu với những đột phá về cải cách thể chế, làm rõ hơn chức năng quản lý Nhà nước với chức năng kinh doanh, mở rộng hợp tác quốc tế, từng bước áp dụng mô hình quản trị hiện đại, tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả, ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, phát triển đa dạng loại hình tổ chức tín dụng, huy động phân bổ nguồn lực tài chính to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước’, Thủ tướng nhấn mạnh.

Kỷ niệm 65 năm, NHNN đón nhận Huận chương Hồ Chí Minh lần thứ 3
  Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng trong thời gian tới tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực và hiệu quả chỉ đạo điều hành với 4 nhiệm vụ:

- Thứ nhất là, điều hành linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách khác, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý, ổn định thị trường ngoại tệ; giảm dần tiến tới chấm dứt tình trạng đô la hoá, tăng dự trữ ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo nền tảng phát triển bền vững

- Hai là, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại toàn diện các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu quyết liệt, hiệu quả theo lộ trình và nâng cao chất lượng tín dụng; chủ động thực hiện hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền những quyết sách phù hợp về tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, giải phóng nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

- Ba là, tập trung làm tốt hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hoá quy trình, hồ sơ, thủ tục vay vốn, hỗ trợ và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng vốn tín dụng hiệu quả. 

- Bốn là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Ngân hàng vững vàng về tư tưởng chính trị, có tư duy đổi mới, có phẩm chất, năng lực, tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Lệ Thúy
.
.
.