Nâng mức huy động vốn cho Đà Nẵng lên 40%

Thứ Hai, 11/07/2016, 18:32
Chiều 11-7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp bàn cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP. Đà Nẵng. 


Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) hiện hành (khoản 3 Điều 8), mức huy động tối đa của các địa phương không vượt quá 30% vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh. Riêng TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, mức huy động vốn đầu tư trong nước theo cơ chế đặc thù là 150%.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Thực hiện Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị: “cho phép huy động vốn đầu tư hàng năm cao hơn tổng mức vốn đầu tư XDCB của ngân sách thành phố”; do nhu cầu huy động vốn đầu tư phát triển của TP. Đà Nẵng rất lớn và việc sử dụng nguồn vốn đầu tư huy động có hiệu quả nên thành phố có nhu cầu tăng mức huy động vốn. Thực tế cho thấy, với mức dư nợ từ nguồn vốn huy động theo quy định hiện hành (Luật NSNN năm 2002) không vượt quá 30% vốn đầu tư thì Đà Nẵng gặp rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn lực để thực hiện đầu tư các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Vì vậy, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng mức dư nợ nguồn vốn huy động tối đa từ 30% lên 100%. Khi Luật NSNN năm 2015 có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của Luật NSNN mới (Mức dư nợ vay tối đa không vượt quá 30% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp khoảng 3.000 tỷ đồng). 

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, việc nâng mức dư nợ vay lên 100% cũng chỉ tương đương với mức dư nợ vay không quá 30% tổng số thu TP. Đà Nẵng được hưởng theo phân cấp quy định tại Luật NSNN năm 2015. Do đó, đề nghị Đà Nẵng áp dụng mức dư nợ vay này từ năm 2017 theo quy định của Luật NSNN năm 2015 vì khó có thể triển khai cơ chế này trong năm 2016 như đề nghị của Chính phủ. Cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này vì việc nâng mức trần dư nợ từ 30% vốn đầu tư XDCB trong nước của Thành phố lên 100% là mức nâng khá lớn, cần được xem xét, tính toán và cân nhắc đến khả năng trả nợ của địa phương…

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp, chiều 11-7

Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng nên có đặc thù cho Đà Nẵng trong việc huy động vốn: Bộ Tài chính “mở” quá nhiều ở Điều 5 nhưng lại “khép chặt” quá ở chỗ huy động vốn. Tôi đề nghị “mở” ở chỗ này thêm một chút, Đà Nẵng không thể bằng Hà Nội, TP.HCM (60%) nhưng nên “mở” thêm. Bởi Đà Nẵng xứng đáng với điều này, đây là thành phố động lực ở miền Trung; nhờ sáng tạo, năng động của Đà Nẵng mới có được sự phát triển như ngày hôm nay thì chúng ta phải phát huy để tạo ra động lực. Có thể là ở mức 40%”.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phân tích: Sở dĩ năm 2014 Chính phủ quyết định cho phép Đà Nẵng huy động 100% vốn đầu tư XDCB là xuất phát từ Kết luận số 75 của Bộ Chính trị. Trên tinh thần như thế Chính phủ đã chỉ đạo, đồng ý để Đà Nẵng phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Tuy nhiên mức 100% theo quy định hiện hành so với 30% của Luật Ngân sách cũ thì cũng “xêm xêm” như nhau, khoảng 3.000-3.200 tỷ đồng. Nếu bây giờ nâng lên 40% thì phải kiểm soát chặt chẽ, khống chế bội chi và nợ công.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bổ sung thêm: “Đà Nẵng phải hiểu được điều này. Ngoài ra trong thời gian thực hiện luật mà các đồng chí làm tốt, huy động tốt, trả nợ vay tốt thì có thể xem xét lại. Nhưng theo tôi mức đó là được, chúng ta không nên “vung tay quá”. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đồng thuận với con số 40%, bởi nếu “vung tay quá” sau này nợ công tăng cao thì Đà Nẵng phải chịu hậu quả; đồng thời cũng nên thống nhất trong tương quan với các tỉnh, thành phố khác…

Kết luận lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thống nhất ý kiến của đa số thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là mức huy động không quá 40% số thu NSNN mà TP. Đà Nẵng được hưởng. Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội giao Uỷ ban Tài chính ngân sách soạn thảo văn bản, xin ý kiến từng thành viên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và trả lời trước ngày 20-7 (ngày khai mạc kỳ họp thứ 1, Quốc hội khoá XIV).

Thi đua xây dựng nông thôn mới, 1 huyện nợ đến 397 tỷ đồng

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đến tháng 6/2016 có 1.965 xã (chiếm 22% số xã) đạt 19 tiêu chí và có 23 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên một số địa phương chạy theo thành tích nên có biểu hiện huy động quá sức dân, vay nợ dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng trả. Đến tháng 6-2016 số nợ đọng ở 52 tỉnh, thành phố lên đến 15.212 tỷ đồng. “Tôi đi giám sát thấy chỉ trong 1 huyện mà nợ 397 tỷ đồng, đây là huyện đang thi đua xây dựng nông thôn mới”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nêu. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đặt câu hỏi, xây dựng nông thôn mới có những huyện nợ đến mấy trăm tỷ, vậy có nóng vội không? “Việc xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn, sắp xếp lại cho khoa học, hiện đại, đẩy mạnh phát huy trí tuệ của nhân dân, nhân dân làm - nhà nước hỗ trợ, tôi rất đồng tình. Nhưng nếu cách làm như thế này dân đóng góp quá sức cũng mệt mỏi, cần phải cân nhắc kỹ”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu.


Q.Vinh
.
.
.