Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy

Thứ Bảy, 24/10/2020, 16:54
Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở quan điểm chỉ đạo là quán triệt và thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; phù hợp với thông lệ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên


Chiều 24/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến, nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). 

Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình.

Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc sửa đổi Luật Phòng chống ma tuý là do thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập; một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy hiện hành không thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính mới được ban hành… do vậy đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống ma túy. 

Bên cạnh đó, do sự thay đổi tình hình, một số quan hệ xã hội mới xuất hiện liên quan đến công tác phòng, chống ma túy nhưng chưa có quy định của luật để điều chỉnh và thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW cả Bộ Chính trị về “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy” xác định “sớm sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản pháp luật khác có liên quan theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống ma túy, có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy”.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008); phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy. Trong đó, lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt, chủ trì công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; nâng cao nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy; quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần ngăn chặn, đấu tranh từng bước loại trừ tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy ra khỏi đời sống xã hội; ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào trong nước.

Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở quan điểm chỉ đạo là quán triệt và thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; phù hợp với thông lệ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cụ thể hoá 3 nhóm chính sách

Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) và cụ thể hóa 3 nhóm chính sách được Chính phủ thông qua trong đề nghị xây dựng dự án Luật.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, trên cơ sở kế thừa các Điều luật của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 sửa đổi, bổ sung năm 2008, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và bổ sung nhiều nội dung mới so với Luật Phòng, chống ma túy hiện hành. 

Dự thảo Luật đã bổ sung tiêu đề cho tất cả các điều luật, sửa đổi, bổ sung một số khái niệm, nội dung đã có; xây dựng chương mới "Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy" (Chương IV); về cai nghiện ma túy quy định cụ thể nội dung nhà nước và ngân sách nhà nước đảm bảo xây dựng cơ sở cai nghiện công lập và tổ chức cai nghiện bắt buộc; hỗ trợ một phần kinh phí cho người nghiện cai nghiện tự nguyện. Khuyến khích người nghiện cai nghiện tự nguyện, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Khuyến khích thành lập cơ sở cai nghiện tư nhân. 

Các cá nhân, tổ chức đầu tư vào công tác cai nghiện được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật; biện pháp cai nghiện tại cộng đồng, gia đình theo hướng giao cho cơ quan có chuyên môn thực hiện, đảm bảo hiệu quả công tác cai nghiện; bãi bỏ biện pháp quản lý sau cai để phù hợp với quy định của Hiến pháp về quyền con người, thay biện pháp quản lý sau cai bằng công tác hỗ trợ xã hội sau cai nghiện và phòng, chống tái nghiện để khuyến khích, động viên người nghiện không tái nghiện.

Bộ trưởng Tô Lâm trình bày tờ trình Luật Phòng chống ma tuý (sửa đổi)

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Dự thảo Luật gồm 8 chương, 69 điều; so với Luật hiện hành có 15 điều mới, sửa đổi, bổ sung 47 điều, giữ nguyên 7 điều.

Trong đó, chương I là Những quy định chung, gồm 5 điều (từ Điều 1 đến Điều 5) quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; những hành vi bị nghiêm cấm và chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma túy. 

Chương II là Trách nhiệm phòng, chống ma túy, gồm 7 điều (từ Điều 6 đến Điều 12) quy định về trách nhiệm của cá nhân, gia đình; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức; chính sách đối với người tham gia phòng, chống ma túy và trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy. 

Chương III là Kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, gồm 10 điều (từ Điều 13 đến Điều 22) quy định về quản lý các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. 

Chương IV là Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, gồm 5 điều (từ Điều 23 đến Điều 27) quy định về xác định người sử dụng trái phép chất ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy; trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức có liên quan; thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy. 

Chương V là Cai nghiện ma túy, gồm 20 điều (từ Điều 28 đến Điều 47) quy định về xác định tình trạng nghiện ma túy; chính sách của Nhà nước về cai nghiện ma túy; trách nhiệm của người nghiện ma túy, gia đình người nghiện ma túy; các biện pháp và hình thức cai nghiện ma túy; cơ sở cai nghiện ma túy; cơ sở cai nghiện ma túy công lập; thành lập, tổ chức hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân.

Chương VI là Quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy, gồm 13 điều (từ Điều 48 đến Điều 60) quy định về nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy; phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy; trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan; về kiểm tra, thanh tra trong quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy...

Trách nhiệm phòng chống ma tuý là của cả hệ thống chính trị

Sau khi nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh trình bày nêu rõ,  Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất với Chính phủ về các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật, đồng thời nhấn mạnh thêm: Trong công tác phòng, chống ma túy, phòng ngừa và dự phòng vẫn là chính. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước. Nhà nước bảo đảm kinh phí thực hiện đối với các dịch vụ cơ bản cho người cai nghiện ma túy; các địa phương theo phân cấp quản lý của Luật Ngân sách nhà nước quan tâm bố trí nguồn ngân sách cho hoạt động này; cá nhân và gia đình người nghiện ma túy có trách nhiệm tham gia, đóng góp.

Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh trình bày báo cáo thẩm tra

Về trách nhiệm, quyền hạn của các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy (Điều 12): Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, để công tác phòng, chống ma túy đạt được hiệu quả, các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy (thuộc Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan), trong khu vực, địa bàn quản lý, cần được giao quyền chủ động nhưng đồng thời cần phối hợp với nhau thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến ma túy. Do đó, Ủy ban đề nghị giữ như điểm a, khoản 1, Điều 13 Luật hiện hành, theo đó cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân có trách nhiệm “chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện các hoạt động ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy”.

Nghiện ma tuý là hành vi vi phạm pháp luật

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh, người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy là người có hành vi vi phạm pháp luật, vì vậy, quan điểm đối xử với họ cần theo hướng: duy trì việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi  sử dụng trái phép chất ma túy; có biện pháp quản lý sau cai nghiện ma tuý tại cộng đồng trong thời gian nhất định; kết hợp các biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền địa phương, xã hội, cộng đồng, gia đình đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy đã hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy khi trở về cộng đồng và đa dạng hóa hình thức cai nghiện, thực hiện các phương thức cai nghiện phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy (Chương IV): Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo cung cấp thêm thông tin giải trình  sự khác nhau về thời hạn quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy từ đủ 18 tuổi và dưới 18 tuổi; cân nhắc bổ sung trường hợp các lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy khi phát hiện người sử dụng trái phép chất ma túy thì có thể tiến hành xử lý phân luồng đối tượng, chuyển các tài liệu liên quan cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú chứ không phải Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và nghiên cứu bổ sung quy định về biện pháp cưỡng chế trong trường hợp người được yêu cầu xét nghiệm không chấp hành việc xét nghiệm trong thời gian được quản lý tại cộng đồng.

Về cai nghiện cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (Điều 40): Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể về việc lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy công lập vì việc lập hồ sơ là một khâu, thủ tục quan trọng trong quy trình đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc. Bên cạnh đó là đánh giá tính khả thi của quy định bảo đảm quyền học văn hóa cho người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (Khoản 4) và nghiên cứu bổ sung quy định tiếp tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã cai nghiện ma túy bắt buộc nhưng vẫn nghiện ma túy.


Phương Thuỷ
.
.
.