Kỷ niệm lần thứ 135 ngày sinh Wilhelm Pieck:

Một người bạn quốc tế thân thiết của Bác Hồ

Chủ Nhật, 04/12/2011, 11:17
Có lẽ không nhiều người được biết: Hồ Chí Minh và Chủ tịch CHDC Đức Wilhelm Pieck, kể từ khi hoạt động chung ở Quốc tế cộng sản, đã là hai người bạn chiến đấu thân thiết của nhau. Chính tình bạn, tình anh em sâu sắc giữa Bác Hồ và lãnh tụ Wilhelm Pieck đã làm cho hai dân tộc Việt - Đức dù cách xa nhau hàng vạn dặm đã sớm hiểu biết nhau, đoàn kết gắn bó cùng nhau trong cuộc chiến đấu lâu dài vì lý tưởng chung.

Trong cuộc đời mình, ngay từ thuở thiếu thời, tôi luôn luôn nghĩ về Chủ tịch Wilhelm Pieck với niềm kính yêu và lòng biết ơn đặc biệt. Nói một cách khác: Chủ tịch là người có công lớn trong việc xây đắp tình hữu nghị đoàn kết giữa hai dân tộc Việt - Đức và trong quá trình ấy, người đã tạo một bước ngoặt quan trọng cho tuổi thơ tôi và nói cho cùng, cũng là cho cả đời tôi...

Nếu ông còn sống, năm nay ông bước vào tuổi 135. Nhưng Người đã vĩnh biệt cuộc đời này tháng 9/1960, đó là năm nhân dân lao động Đức chịu một cái tang lớn; cũng như năm 1969, khi Bác Hồ qua đời, dân tộc ta đã trải qua một tổn thất không gì bù đắp nổi. Có lẽ không nhiều người được biết: Hồ Chí Minh và Wilhelm Pieck, kể từ khi hoạt động chung ở Quốc tế cộng sản, đã là hai người bạn chiến đấu thân thiết của nhau. Sinh thời, Bác Hồ trìu mến gọi Wilhelm Pieck là "người anh yêu quý của tôi".

Chính tình bạn, tình anh em sâu sắc giữa Bác Hồ và lãnh tụ Wilhelm Pieck đã làm cho hai dân tộc Việt - Đức dù cách xa nhau hàng vạn dặm đã sớm hiểu biết nhau, đoàn kết gắn bó cùng nhau trong cuộc chiến đấu lâu dài vì lý tưởng chung. Trải qua những năm tháng hoạt động sôi nổi đầy gian khổ, hai nhà cách mạng này đều trở thành chủ tịch đầu tiên của nhà nước công - nông. Cộng hòa Dân chủ Đức là một trong những nước đầu tiên công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Wilhelm Pieck, một phong trào đoàn kết ủng hộ Việt Nam đã được phát động và phát triển ngày càng sâu rộng từ những năm đầu nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Phong trào đó đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cả những thanh niên Đức hồi đó đang cầm súng trong hàng ngũ lê dương của Pháp, họ đã chạy sang hàng ngũ những người yêu nước Việt Nam, không ít người trở thành cán bộ tin cậy của quân đội ta. Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Wilhelm Pieck, nhiều cán bộ y tế, văn hóa, báo chí của Cộng hòa Dân chủ Đức đã sang giúp đỡ Việt Nam ngay sau ngày toàn thắng ở Điện Biên Phủ.

Cũng chính thời điểm đó, Chủ tịch Wilhelm Pieck gửi thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhã ý sẵn sàng đón nhận một số thanh niên và thiếu niên Việt Nam sang Đức học tập để sau này trở về góp phần xây dựng đất nước. Bản thân tôi đã may mắn được là một trong những thiếu niên đó, được đến Đức từ mùa thu năm 1955, khi nước Cộng hòa Dân chủ Đức chưa đầy 6 tuổi! Được học tập, được sống, rồi sau này lại công tác ở Đức, tôi và một số bạn tôi đã gần như suốt đời gắn bó với ngôn ngữ, văn hóa và khoa học, kỹ thuật của Đức. Rõ ràng là chuyến đi năm ấy đã tạo thành bước ngoặt lớn của cuộc đời chúng tôi. Cho nên từ trong sâu thẳm của lòng mình, chúng tôi vô cùng biết ơn Chủ tịch Wilhelm Pieck và nhân dân Đức.

Sang tới nước bạn, chúng tôi tiếp tục được Chủ tịch Wilhelm Pieck ân cần quan tâm, chăm sóc - thể hiện qua những bức thư trìu mến và những món quà quý mà ông gửi cho. Ông cho biết: Có dịp thuận lợi, ông sẽ đón chúng tôi về Berlin thăm ông, như đã từng đón các bạn học sinh Triều Tiên.

Nhưng đáng tiếc, từ năm 1956, sức khỏe của ông giảm sút nhiều, cho nên nguyện vọng đi thăm đã không được thực hiện. Có một vinh dự mà ông dành cho chúng tôi là đã cho phép liên đội thiếu niên tiền phong trong nhà trường được mang tên "Wilhelm Pieck". Trong những bức thư mà Bác Hồ gửi cho thầy và trò chúng tôi cũng như khi ông đến thăm trường ở thị trấn Moritzburg, ông luôn căn dặn chúng tôi phải cố gắng học tập, tu dưỡng đạo đức để xứng đáng với công lao của Chủ tịch Wilhelm Pieck, của Đảng và nhân dân lao động Đức. Trong tâm tưởng và tình cảm của chúng tôi, hai vị lãnh tụ tối cao là hình ảnh song đôi vô cùng kính yêu và gần gũi.

Bác Hồ với Chủ tịch Wilhelm Pieck (người thứ nhất từ trái sang) và Thủ tướng Otto Grotewohl. Ảnh: W.Herbig

Và thật kỳ diệu, Wilhelm Pieck và Hồ Chí Minh - về mặt con người và đời sống riêng cũng có nhiều nét giống nhau: Hai vị đều mồ côi mẹ sớm, đều trải qua biết bao công việc nặng nhọc trong tuổi thanh xuân, đều yêu thích văn học - nghệ thuật và nhất là đều đầy lòng nhân hậu, đã được nhân dân nước mình sau này gọi là "Cha" với tất cả lòng thành kính.

Nghiên cứu, tìm hiểu mối quan hệ giữa hai vị Chủ tịch chính là góp phần nghiên cứu, tìm hiểu quan hệ hữu nghị đoàn kết lâu dài giữa hai dân tộc Việt Nam và Đức. Lý tưởng chung và những thắng lợi của hai Đảng, hai dân tộc càng làm cho mối quan hệ giữa hai vị lãnh tụ thêm gắn bó.

Năm 1949, từ núi rừng Việt Bắc, Bác Hồ đã gửi điện chúc mừng sự ra đời của nhà nước công - nông đầu tiên trên đất Đức. Từ đó, hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm quốc khánh và sinh nhật hoặc nhân một sự kiện trọng đại nào đó, hai vị lãnh tụ lại gửi điện mừng cho nhau. Một trong những bức thư đầy xúc động mà Chủ tịch Wilhelm Pieck đã gửi cho Bác Hồ là nhân dịp kỷ niệm lần thứ 70 ngày sinh của người. Bức thư có đoạn viết:

"Người bạn và người đồng chí thân yêu Hồ Chí Minh của tôi! Trong ngày vẻ vang hôm nay, những ý nghĩ của tôi đều hướng về đồng chí, nhà lãnh đạo trung thành, đầy hy sinh, bất khuất của tất cả những người lao động Việt Nam… Tôi vẫn lấy làm thích thú mỗi lần nhớ lại các cuộc tiếp xúc trước đây của chúng ta, những cuộc tiếp xúc bao giờ cũng được đánh dấu bằng tình hữu nghị sâu sắc của nhân dân hai nước chúng ta, bằng cuộc đấu tranh nhằm gìn giữ và củng cố hòa bình và bằng việc cải thiện sinh hoạt của nhân dân lao động hai nước chúng ta".

Mùa hè năm 1957, Bác Hồ đã đi thăm hữu nghị chính thức các nước anh em, riêng ở Cộng hòa Dân chủ Đức là từ 25/7 đến 1/8. Ở thời điểm đó, Chủ tịch Wilhelm Pieck mệt nặng, nên Bác Hồ rất lo lắng cho sức khỏe của Chủ tịch. Cho nên, việc đầu tiên sau khi đặt chân tới Berlin là Người đến tận nhà riêng ở Pankow để thăm "người anh yêu quý" của mình.

Chúng tôi, qua đài truyền hình, đã xúc động theo dõi cuộc viếng thăm cảm động này. Trên phim ảnh, Chủ tịch trông đã yếu nhiều. Nhưng, được tin Bác Hồ đến, Chủ tịch rất vui, một niềm vui mà quả thật những người gần gũi ít thấy hiện lên trên gương mặt Chủ tịch trong những ngày ấy. Đó là một buổi chiều mùa hè, nắng rất đẹp. Trong khu vườn nhỏ cạnh nhà, cỏ lên xanh mướt. Chủ tịch Wilhelm Pieck mặc bộ lễ phục màu sáng, trên ngực gắn những cuống huân chương. Đó là biểu thị thầm kín của Chủ tịch trong những dịp thật trọng thể và đáng ghi nhớ.

Năm 1976, để viết bài cho Báo Nhân dân, nhân kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh Chủ tịch Wilhelm Pieck, tôi đã đến thăm bà Elly - Winter Pieck, người con gái đầu lòng và cũng là thư ký riêng của Chủ tịch trong 15 năm cuối đời. Trong bầu không khí thân tình, bà đã kể tôi nghe về buổi chiều 25/7/1957 đáng ghi nhớ ấy:

"Bác Hồ xuất hiện ở cửa vườn và đi rất nhanh tới chỗ cha tôi. Cha tôi sung sướng đứng dậy, một tay chống gậy, một tay siết chặt bàn tay của người đồng chí rất thân yêu. Bác Hồ đưa tay phải ôm lấy cổ cha tôi và hai người ôm hôn nhau thân thiết. Bác Hồ hỏi cha tôi bằng tiếng Đức và gọi tên riêng một cách trìu mến:

- Wilhelm, sức khỏe của anh thế nào?

- Tôi không được khỏe lắm. Anh sang thăm đất nước chúng tôi, tiếc rằng tôi không thể đi cùng anh được.

Qua ánh mắt của Bác Hồ, những người có mặt đều thấy Người không được vui, vì có lẽ Người thấy cha tôi không được khỏe. Giọng của Bác Hồ đôi khi trầm hẳn xuống. Lúc này cha tôi đã 81 tuổi, 81 năm của một cuộc đời đầy những gian nan, vất vả.

Trong suốt buổi nói chuyện cùng nhau, hầu như lúc nào Bác Hồ cũng nắm lấy một bàn tay của cha tôi. Hai người nói chuyện với nhau bằng tiếng Đức, cũng có khi bằng tiếng Nga...

Tôi cũng xin nói thêm rằng, Bác Hồ không quên hỏi thăm từng người trong số anh chị em phục vụ chúng tôi. Biết tôi là con gái của bạn mình, Bác Hồ tỏ ra rất vui...".

Dự buổi nói chuyện đó có Thủ tướng Chính phủ Otto Grotewohl, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đảng Walter Ulbricht và một vài cán bộ cao cấp nữa. Cuộc gặp gỡ thân tình này chỉ kéo dài độ 30 phút và cũng không ngờ là cuộc gặp gỡ cuối cùng của hai vị lãnh tụ.

Tháng 9/1960, giữa lúc Đảng ta đang tiến hành Đại hội III, Bác Hồ được tin Chủ tịch Wilhelm Pieck qua đời. Người rất đau buồn, đã đến viếng Chủ tịch tại Đại sứ quán CHDC Đức ở Hà Nội và nhờ Giáo sư Kurt Hager, Trưởng đoàn đại biểu Đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức (SED) sang dự Đại hội Đảng ta, chuyển lời chia buồn sâu sắc tới toàn Đảng, toàn dân CHDC Đức và gia quyến Chủ tịch Wilhelm Pieck

Trần Đương
.
.
.