Một năm sáng tối đan xen

Thứ Ba, 01/01/2013, 10:00
Năm 2012 qua đi trong sự bươn chải về kinh tế song vẫn có những điểm sáng. Từ 2007 tới nay, trừ năm 2009, lạm phát ở nước ta luôn ở mức 2 con số, ngay năm ngoái còn cao ngất ngưởng, tới 18,13% so với cuối năm trước nhưng kết thúc năm nay chỉ còn ở mức 6,81%.

Thế rồi đồng tiền nước ta tương đối ổn định so với đôla Mỹ, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư, dự trữ ngoại tệ đạt mức cao nhất là 24 tỷ USD. Tuy sản xuất trong nước và cả thị trường bên ngoài gặp buổi khó khăn song xuất khẩu vẫn tăng tới khoảng 18% và lần đầu tiên sau mấy chục năm nước ta xuất siêu được 284 triệu USD, trong đó nông nghiệp vượt trội, đưa Việt Nam lên hàng đầu về xuất khẩu gạo… Một điểm sáng nổi bật là Thủy điện Sơn La đã về đích trước thời hạn 3 năm, vừa cung cấp nguồn điện lớn, vừa tiết kiệm được khoản tiền lớn cho đất nước.

Có được những điểm sáng nói trên là nhờ nỗ lực vượt bậc của toàn dân và chính sách nhất quán nước ta theo đuổi mấy năm nay là "kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô", thắt chặt dòng tiền qua cả khâu phát hành lẫn tín dụng, đầu tư.

Thế nhưng điều gì cũng có hai mặt. Do đồng tiền khan hiếm, lãi suất vay quá cao, người sản xuất khó tiếp cận, người tiêu dùng tằn tiện, hàng tồn kho, kể cả bất động sản gia tăng, hàng bán được ít, nợ cũ không trả nổi, hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc cầm chừng, sản xuất đi xuống, nhiều người thất nghiệp, thu nhập giảm thiểu. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm nay chỉ tăng được có 5,03% là mức thấp nhất từ năm 1999 tới nay. Ngay trong điểm sáng là xuất siêu cũng có bóng tối. Số là lâu nay nền kinh tế nước ta mang nặng tính gia công, phải nhập khẩu nhiều máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu để sản xuất theo phương thức "lấy công làm lãi" nay nhập ít chứng tỏ sản xuất trì trệ.

Bên cạnh đó hệ quả phát triển nóng trong những năm trước, các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, chứng khoán vừa qua nở rộ như nấm sau mưa, tín dụng có lúc tăng tới gần 54%/năm, đầu tư chiếm trên 40% GDP trong nhiều năm liền là mức cao rất hiếm có trên thế giới đã để lại hậu quả nặng nề mà biểu hiện tập trung là nợ xấu lên tới gần 9% dư nợ tín dụng. Cùng chung số phận, nhiều doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn và tổng công ty làm ăn thất bát, nợ nần chồng chất. Nhiều địa phương chạy theo "phong trào đại công trường" nay không còn tiền thanh toán cho doanh nghiệp.

Khó khăn trong ngoài gặp nhau, cả đầu tư trực tiếp nước ngoài lẫn viện trợ phát triển đều giảm.

Trước tình hình đó những tháng cuối năm Chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kể cả bất động sản theo hướng giãn, giảm thuế, hạ bớt lãi suất, khuyến khích chuyển đổi công năng nhà chung cư cao cấp sang nhà xã hội… đi đôi với việc tìm cách xử lý nợ xấu, tái cấu trúc lại các ngân hàng, cải thiện môi trường đầu tư để lấy lại phong độ cho đầu tư nước ngoài. Tác động của những biện pháp này chắc phải năm 2013 mới có tác dụng.

Tình hình nói trên cho thấy năm tới sẽ còn khó khăn, việc cắt bỏ ung nhọt nảy sinh trong năm qua như tồn kho, nợ đọng, cứu giúp doanh nghiệp… sẽ phải làm tiếp. Đó là chưa kể kinh tế thế giới còn tiếp tục trì trệ; ta vừa phải giải quyết những vấn đề nóng bỏng trước mắt, vừa phải triển khai nhiều biện pháp cơ bản, lâu dài nhằm tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình phát triển như Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra với các khâu đột phá là thể chế, hạ tầng cơ sở và chất lượng nguồn nhân lực.

Kinh tế khó khăn thường đẻ ra không ít vấn đề an ninh, nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội như gian lận thương mại, buôn lậu, an toàn hệ thống tín dụng, vỡ nợ, vỡ hụi, cướp bóc… Mặt khác tâm tư xã hội diễn biễn phức tạp. Trong hoàn cảnh đó mong rằng lực lượng Công an nhân dân chủ động dự báo diễn biến tình hình, vừa góp phần phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực, vừa giữ vững phẩm chất, ứng xử thỏa đáng với người dân, hạn chế bức xúc, bảo đảm an dân

V.K.
.
.
.