Miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế là do “đã đến tuổi nghỉ hưu”

Thứ Sáu, 18/10/2019, 16:46

Tại Họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV chiều 18-10, các phóng viên báo chí đã đặt câu hỏi về lý do miễn nhiệm Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khi nhiệm kỳ chưa kết thúc và nhân sự thay thế chưa được đề cập?


Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong nhiệm kỳ này Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bởi về mặt hành chính Bộ trưởng đã đến tuổi nghỉ hưu. 

“Tuy bị miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Y tế nhưng đồng chí lại chuyển sang công tác tại Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương, đây là một vị trí công tác rất quan trọng”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Còn liên quan đến việc ai sẽ thay Bộ trưởng Bộ Y tế, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ thì Quốc hội mới xem xét, phê chuẩn. Vừa rồi Bộ Chính trị, Trung ương đã có Quyết định phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiêm Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời tại họp báo

Cũng liên quan đến công tác nhân sự, phóng viên hỏi về trường hợp bà Hồ Thị Cẩm Đào, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng tổ chức đám cưới rình rang cho con. Bộ Nội vụ cho biết sẽ xem xét trách nhiệm của bà Đào. Xin Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Quốc hội đã xem xét trách nhiệm nêu gương và tư cách ĐBQH của bà Đào trong sự việc này hay chưa?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, qua sự việc báo chí nêu thì vừa qua Tỉnh uỷ Sóc Trăng đã nhắc nhở, kiểm điểm sâu sắc. Do đó, Quốc hội chỉ rút kinh nghiệm, bản thân đại biểu Đào và Đoàn ĐBQH đó cũng đã rút kinh nghiệm sâu sắc. Đây cũng là bài học chung cho các đồng chí lãnh đạo khi đi dự đám cưới, không sử dụng xe công làm việc riêng.

Có phóng viên nêu sự việc, vừa qua một số ĐBQH bị kỷ luật về mặt Đảng, cắt các chức về mặt Nhà nước thì đều được Quốc hội cho thôi nhiệm vụ. 

Có ý kiến cho rằng đây không phải là hình thức mất tín nhiệm và việc xử lý chưa tương xứng với hình thức kỷ luật của Đảng, chính quyền. Đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội cho biết quan điểm, và đến khi nào người dân có quyền được bãi nhiệm tư cách ĐBQH?

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong nhiệm kỳ này chúng ta có một số đại biểu bị miễn nhiệm do bị kỷ luật về đảng hoặc do lý do sức khoẻ. Theo luật, đại biểu nào do lý do sức khoẻ mà xin thôi thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận việc này.

“Như trường hợp ông Hồ Văn Năm, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai vừa rồi bị kỷ luật về mặt đảng do vi phạm kỷ luật trong thời gian ông làm Viện trưởng VKSND. Chắc do trong quá trình này ông cũng suy nghĩ nhiều, sức khoẻ suy yếu, nên ông làm đơn thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp nhận cho thôi nhiệm vụ”, ông lấy ví dụ.

Về quyền bãi nhiệm ĐBQH của cử tri, theo ông Phúc, Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định nhưng chúng ta chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể. Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ban Công tác đại biểu và các cơ quan liên quan nghiên cứu quy trình này.


Quỳnh Vinh
.
.
.