Lực lượng CAND tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ
Sau 55 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ cứ điểm của địch vào ngày 7/5/1954, giải phóng hoàn toàn Điện Biên Phủ, ghi dấu son chói lọi vào trang sử hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc. Trong thắng lợi vĩ đại và vinh quang đó, có vai trò hết sức quan trọn
Cuối năm 1953, thực dân Pháp cho 6 tiểu đoàn nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ và xây dựng thành lập một tập đoàn cứ điểm. Chúng coi Điện Biên Phủ là “ngã tư chiến lược quan trọng”, hòng biến nơi đây thành căn cứ quân sự lợi hại phục vụ âm mưu xâm lược của chúng ở Đông Dương và Đông Nam Á. Chúng hy vọng Điện Biên Phủ trở thành một pháo đài “bất khả xâm phạm”. Để đề phòng sự tấn công của ta, thực dân Pháp cho máy bay ném bom phát quang vòng ngoài, tung các toán gián điệp biệt kích, cài cắm dọc các tuyến đường dẫn đến Điện Biên Phủ nhằm do thám, chỉ điểm, phá hoại cầu đường và thu thập tin tức hoạt động của ta.
Trước tình hình đó, ngày 6/2/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là một chiến dịch lớn có tầm chiến lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chiến dịch này rất quan trọng không những về mặt quân sự mà cả về chính trị, không những trong nước mà cả quốc tế”. Khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng địch ở Điện Biên Phủ” là quyết tâm của Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Để đảm bảo an toàn bí mật, Đảng đã giao cho lực lượng CAND trực tiếp bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược của chiến dịch, Bộ Công an đã xác định: “Công tác bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ là nhiệm vụ trọng tâm của công tác công an trong thời kỳ này!”. Nó được thực hiện trên suốt tuyến hành lang vận chuyển hàng nghìn kilômét, cả trong vùng tự do, vùng tạm chiếm và vùng xung quanh mặt trận. Bộ Công an rất coi trọng công tác tổ chức điều hành và trực tiếp tham gia chiến đấu.
Lực lượng Công an luôn có mặt bảo vệ các tuyến đường vận chuyển hàng ra tiền tuyến.
Ngay từ đầu, Bộ quyết định thành lập Ban Công an tiền phương nằm trong Hội đồng Cung cấp mặt trận trung ương. Ở các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc cũng thành lập “Ban Công an tiền phương” trực tiếp làm nhiệm vụ chỉ đạo công tác bảo vệ chiến dịch. Nhiệm vụ của Ban Công an tiền phương các cấp được xác định: trực tiếp bảo vệ hoạt động của tất cả các lực lượng tham gia chiến dịch, bảo vệ dân công, bảo vệ giao thông vận chuyển, bảo vệ kho tàng, bảo vệ các cuộc hành quân, nơi trú quân của bộ đội.
Đội ngũ dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ trên 26 vạn người được huy động từng đợt. Công tác bảo vệ rất khó khăn. Trước hết phải đảm bảo sự trong sạch về chính trị đội ngũ dân công. Công an các địa phương đã góp phần cùng các cấp chính quyền tiến hành lựa chọn, xét duyệt những người có đủ tiêu chuẩn đi dân công. Trong các đoàn dân công đều có công an các huyện, xã đi cùng để làm công tác bảo vệ, đảm bảo an toàn suốt chặng đường dài vận chuyển qua nhiều điểm xung yếu, nguy hiểm do máy bay địch bắn phá.
Lực lượng phương tiện vận tải phục vụ giao thông vận chuyển trong chiến dịch Điện Biên Phủ rất lớn, bao gồm 628 xe ôtô, 2.600 thuyền các loại, 21.000 xe đạp thồ và hơn 1 vạn con ngựa thồ. Các tuyến đường vận chuyển dài hàng vạn kilômét từ Khu IV lên Tây Bắc, đảm nhận hàng triệu tấn hàng hóa, đạn dược, nhu yếu phẩm phục vụ cho chiến trường.
Trước tình hình kẻ địch ra sức móc nối nắm tình hình về hoạt động giao thông vận chuyển của ta, tăng cường gián điệp gây cơ sở thăm dò thu thập tin tức tình báo và tung gián điệp biệt kích hoạt động phá hoại đường sá, cầu cống, lực lượng công an phối hợp với các ngành tổ chức bảo vệ đầy đủ các hoạt động. Trên các tuyến đường quan trọng có các trạm kiểm soát người và phương tiện qua lại. Ngoài ra còn kiểm tra hành chính phát hiện kẻ gian, người lạ mặt, quản lý chặt chẽ hàng cơm, quán trọ hai bên đường. Ở các trọng điểm giao thông như ngã ba, ngã tư, đèo, cầu, phà,... công an tổ chức các trạm báo động phòng không, điều hành và phân tán các phương tiện vận chuyển.
Lực lượng công an vận động nhân dân tích cực thực hiện phong trào “Phòng gian bảo mật”, đảm bảo an toàn tuyệt đối người, vũ khí, lương thực, thực phẩm và hàng hóa phục vụ mặt trận.
Khi chiếm đóng Điện Biên Phủ, thực dân Pháp đã tung hàng trăm tên gián điệp biệt kích xuống nhiều nơi trong tỉnh để dò la tình hình, chôn mìn ở những nơi bộ đội ta qua lại, bắn lén vào bộ đội, dân công của ta. Sang bước hai của chiến dịch, hoạt động do thám, gián điệp của địch càng tăng lên. Để chặn đứng và làm thất bại âm mưu của chúng, lực lượng công an kết hợp với lực lượng quân đội đề ra kế hoạch nhằm ngăn chặn và đấu tranh với bọn Phòng Nhì của Pháp.
Ngày 21/12/1953, ta đã bắt tên Quàng Văn Lún trong tổ chức của Tòng Văn Đôi là gián điệp của Phòng Nhì Pháp. Tháng 2/1954, lực lượng công an phối hợp với quân đội bắt nhiều tên từ căn cứ Điện Biên được tung ra hoạt động ở khu vực xã Nà Tấu và 4 tên hoạt động ở đồi Độc Lập... Hoạt động đó của công an đã góp phần bảo vệ an toàn các cơ sở chỉ huy của quân đội ta ở tiền phương.
Trước và trong chiến dịch Điện Biên Phủ, việc phòng ngừa các hoạt động do thám, gián điệp của địch cũng rất khẩn trương. Ngày 6/12/1953, lực lượng công an phối hợp với lực lượng quân đội và nhân dân địa phương truy lùng, bắt nhiều tên biệt kích nhảy dù xuống khu vực Mường É (Thuận Châu) có âm mưu phá hoại cuộc hành quân, vận chuyển của ta trên đèo Pha Đin, một đoạn đường hết sức trọng yếu. Tại Tuần Giáo, công an đã bắt nhiều tên trong đó có tên Lò Văn Khăm và Lò Văn Đính được địch tung từ cứ điểm Điện Biên ra khu vực Bản Chăn, nơi có cơ quan chỉ đạo tiền phương và bộ đội trú quân cùng nhiều cụm kho vũ khí, lương thực, thực phẩm của ta.
Trong những ngày quân Pháp đang nguy khốn ở cứ điểm Điện Biên Phủ, chúng tung tin Mỹ sẽ ném bom hủy diệt hai nơi tập trung đông dân cư là Noọng Nhai và Co Mỵ. Riêng khu vực bản Noọng Nhai, chúng đã ném bom, làm chết 444 người, làm cháy toàn bộ nhà cửa và tài sản của nhân dân. Công an Lai Châu đã cùng với chính quyền các xã giải quyết hậu quả và ổn định tư tưởng, duy trì cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân