Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là đòi hỏi của thực tiễn

Thứ Năm, 12/11/2020, 16:16

Về việc tại sao phải có lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và cần thiết phải có luật, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, thực tế lực lượng này đã có và đang hoạt động hằng ngày, chứ không phải đến bây giờ chúng ta xây dựng luật này để sinh ra một lực lượng mới.

Ngày 12/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở.

Tham gia góp ý kiến tại Tổ 12 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Kiên Giang, Quảng Ngãi, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã thay mặt Ban soạn thảo cảm ơn ý kiến của các ĐBQH, bởi qua lắng nghe ý kiến của các đại biểu thấy rõ sự đồng tình rất cao về sự cần thiết ban hành dự thảo luật này, đồng thời các đại biểu nghiên cứu rất kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, rất nhiều nội dung phát biểu đã trùng với nội dung của Báo cáo bổ sung số 586 ngày 5-11-2020 của Ban soạn thảo về việc tiếp thu, giải trình một số nội dung lớn trong dự thảo luật này, Bộ trưởng đề nghị các ĐBQH tham khảo thêm.

Bộ trưởng Tô Lâm thảo luận tại tổ.

Về việc tại sao phải có lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và cần thiết phải có luật, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, thực tế lực lượng này đã có và đang hoạt động hằng ngày, chứ không phải đến bây giờ chúng ta xây dựng luật này để sinh ra một lực lượng mới. Đây là đòi hỏi rất thực tiễn, những vấn đề tác động, chi phí phát sinh thêm cũng đáng lo lắng, nhưng không phải vấn đề ảnh hưởng đến luật này.

"Chúng tôi đánh giá đây là lực lượng rất quan trọng, trọng tâm để huy động sức mạnh nhân dân tham gia, là nòng cốt của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ). Chúng ta đã tổng kết nhiều năm nay rồi, đây là đặc trưng rất lớn của CAND Việt Nam, của phong trào đấu tranh bảo vệ ANTT ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới không có" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tô Lâm thông tin, nhiều nước đến học tập, họ thấy rất lạ và rất tâm đắc. Bản chất khác biệt của Công an chúng ta là Công-an-nhân-dân, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTQ và trách nhiệm đó là của toàn dân, trong đó có lực lượng nòng cốt. Đường lối bảo vệ ANTT của chúng ta cũng khác với lực lượng Cảnh sát các nước và ở họ không có phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ.

Theo Bộ trưởng, về nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng và an ninh tại cơ sở thì phía Bộ Quốc phòng có Luật dân quân tự vệ, đây cũng là một lực lượng quần chúng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở. Luật này khái quát lại, tổ chức đưa những người dân có trách nhiệm, tâm huyết, có đủ điều kiện cùng với chính quyền và lực lượng Công an, Quân đội tham gia bảo đảm ANTT tại cơ sở.

"Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở về bản chất không khác xa lắm với Luật Dân quân tự vệ. Thậm chí có những điểm giống nhau, tương thích, đồng thuận, và luật của chúng tôi may mắn ra đời sau, có thể vận dụng những kinh nghiệm, chính sách của Luật Dân quân tự vệ", Bộ trưởng Tô Lâm lý giải, đồng thời khẳng định nhiệm vụ bảo đảm ANTT tại cơ sở là một nhiệm vụ rất quan trọng, đặc biệt với phương thức "4 tại chỗ" thì lực lượng này rất cần thiết.

Toàn cảnh phiên họp.

Bộ trưởng cũng cho rằng, luật này ra đời không ảnh hưởng đến hoạt động của các mô hình, phong trào bảo đảm ANTT tại cơ sở khác. Sức sáng tạo của nhân dân, phù hợp với đặc điểm từng địa phương, từng xóm làng, từng khu dân cư, từng dân tộc với phong tục, tập quán khác nhau thì không hạn chế. Vẫn tồn tại những hiệp sỹ, khu phố an toàn, phong trào xây dựng khu văn hóa..., thậm chí đây chính là chỗ dựa để các lực lượng lồng ghép, tiến hành nhiệm vụ của mình.

Đối với lực lượng Công an xã bán chuyên trách hiện nay dù có Công an chính quy xuống xã nhưng chưa phải đã kết thúc, nếu hiểu kết thúc nhiệm vụ là sai. Vì Luật CAND ghi rõ rồi, lực lượng Công an xã bán chuyên trách vẫn thực hiện theo Pháp lệnh Công an xã, và họ chỉ kết thúc thực hiện khi có Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở, luật này phủ lên, bao trùm Pháp lệnh về Công an xã.

Về điều kiện cơ sở vật chất cho lực lượng Công an xã, Bộ trưởng Tô Lâm cảm ơn các đại biểu đã quan tâm và cho biết hiện Bộ Công an đang đề xuất đề án về xây dựng một Nghị quyết chung, theo đó, xây dựng lực lượng CAND, QĐND tinh nhuệ, hiện đại vào năm 2025. Nhưng khó khăn nhất hiện nay là trang bị, kinh phí.

"Khi Luật Công an xã chưa ra đời thì nhiều tỉnh đã đầu tư xây dựng trụ sở cho lực lượng Công an xã, huy động sức dân, nguồn ngân sách của tỉnh, như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh. Họ xác định, ổn định trật tự xã hội là tiền đề của phát triển, không để mất ANTT được, do đó các địa phương cần chủ động việc này", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho biết, vừa qua anh em Công an chính quy xuống xã rất khó khăn, nhưng Bộ Công an vui mừng thấy được sự chia sẻ, ủng hộ của các địa phương. Nhiều anh em xuống với phương châm dựa vào nhân dân, thậm chí ăn, ở nhờ nhà dân.

ĐBQH Nguyễn Văn Luật góp ý kiến vào dự thảo Luật.

"Vừa qua, Bộ Công an chúng tôi đã ưu tiên làm nhà tạm cho Công an 450 xã biên giới để anh em ăn uống, nghỉ ngơi, đặc biệt trước mùa đông giá lạnh, làm nhiệm vụ quản lý biên giới, chống COVID-19, chống buôn lậu... Tiếp đây sẽ là các xã phức tạp về ANTT, còn lại tất cả phải dựa vào địa phương", Bộ trưởng mong muốn các địa phương quan tâm, dành một nguồn ngân sách nhất định cho lực lượng Công an xã hoạt động.

Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ, tăng cường bảo vệ ANTT ở nông thôn là rất quan trọng, trên phạm vi cả nước chứ không riêng gì địa phương nào. "Nếu ANTT cơ sở không được đảm bảo thì tác động đến tình hình xã hội nói chung, sẽ hình thành nạn trộm cướp, tội phạm, vi phạm pháp luật…", ông nêu quan điểm và cho rằng nhìn bóng dáng người mặc sắc phục thực thi nhiệm vụ tội phạm cũng e dè hơn, lực lượng chính quy có nghiệp vụ, kỹ năng tốt hơn.

Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, cần đánh giá về phạm vi điều chỉnh của dự án luật, bởi vì nhiệm vụ bảo đảm ANTT ở địa bàn cơ sở không chỉ của lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách mà là “thế trận lòng dân”, tức là toàn bộ hệ thống chính trị tham gia bảo vệ ANTT cơ sở. “Nên chăng luật cần quy định thế trận nhân dân trong bảo vệ ANTQ, chứ không chỉ riêng các lực lượng nêu trên”, ông gợi ý.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Luật tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở và đề nghị làm rõ đối tượng điều chỉnh, chế độ chính sách cho lực lượng này. Cần hướng tới một giải pháp căn cơ hơn, mang tính pháp lý và bền vững, song cũng nên lưu ý, sức mạnh có thể uy hiếp được tội phạm chính là quần chúng chứ không phải là sự có mặt của lực lượng chức năng ở khắp nơi.

Đề cao vai trò của lực lượng hỗ trợ phòng, chống tội phạm ở cơ sở, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị các đại biểu nghiên cứu, trao đổi kỹ hơn về dự luật này, để trước mắt ngăn chặn, sau đó tiến tới kéo giảm tội phạm, ổn định tình hình ANTT trong tình hình mới.

Đồng tình với sự cần thiết ban hành dự án Luật này, ĐBQH Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) cho biết, qua đọc Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo đánh giá tác động, đây là một trong những dự án Luật đi vào hướng Nhà nước huy động tổng lực sức mạnh của nhân dân đẩy mạnh phong trào bảo vệ ANTQ tại cơ sở, tạo bước ngoặt, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

"Nếu dự án Luật này đáp ứng được mục tiêu thì rất tốt, lực lượng Công an cùng với các lực lượng khác có tổng thể sức mạnh toàn dân, chúng tôi rất tán thành", đại biểu tỉnh Kiên Giang nói, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo giải trình thêm một số vấn đề liên quan đến kinh phí, công tác bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở...

Quỳnh Vinh
.
.
.