Luật Giáo dục (sửa đổi): Trong giờ học thêm, ai quản lý hành xử của giáo viên?
Sáng 12-3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục Phiên họp thứ 32 thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Vấn đề đạo đức nhà giáo, những hành vi thiếu chuẩn mực như vụ thầy giáo dâm ô học sinh gây xôn xao vừa qua được các đại biểu đề cập.
- Báo động nghiêm trọng đạo đức nhà giáo
- Lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin vi phạm về đạo đức nhà giáo
- Đạo đức nhà giáo: Phải được rèn luyện ngay từ giảng đường đại học
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, thời gian gần đây nổi lên một số vụ liên quan đến đạo đức nhà giáo, như vụ học sinh bị giáo viên xâm hại. “Chúng tôi nhận thức được đây chỉ là một số vụ cá biệt, nhưng dư luận rất quan tâm, vì xã hội vẫn coi đây là nghề cao quý, một số người lệch chuẩn mực đã có tác động lớn đến tâm lý xã hội” – bà nói.
Do đó, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, trong Chương 6: Nhà trường, gia đình và xã hội nên có điều xác định trách nhiệm của giáo viên, nhà trường và xã hội trong bảo vệ người học là người dưới 18 tuổi.
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình |
Liên quan đến tiêu chuẩn nhà giáo và các hành vi nhà giáo không được làm thì dự thảo Luật không có điều cấm chung, chỉ có Điều 21 cấm lợi dụng các hoạt động về giáo dục và Điều 67 quy định các chuẩn mực của nhà giáo.
“Nên chăng, có thể thiết kế thêm chuẩn mực của nhà giáo về xử sự trong Điều 67, theo đó giáo viên phải đáp ứng chuẩn mực trong bộ quy tắc ứng xử do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, để tránh những trường hợp xảy ra trong thời gian qua”, bà Nga nêu quan điểm.
Tiếp theo ý kiến Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho hay, dư luận thời gian vừa qua cho thấy, các hành vi thiếu chuẩn mực của nhà giáo tuy xuất hiện không nhiều song gây tác hại, ảnh hưởng lớn, đặc biệt đối với đối tượng vị thành niên.
“Những quy định trong dự thảo Luật chỉ quy định hành vi trong giờ học chính khoá, còn vụ việc thầy giáo dâm ô học sinh vừa rồi ở Bắc Giang xảy ra buổi chiều, tại lớp học thêm ở nhà thầy, sau khi thầy uống rượu. Trong khi đó chúng ta cũng không cấm dạy thêm, chỉ quy định “không được ép buộc học sinh học thêm để lấy tiền”. Vậy giờ học thêm ai quản lý hành xử của giáo viên?”, Trưởng ban Dân nguyện đặt vấn đề.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga |
Theo bà, trước đây cũng từng có cô giáo nói những câu rất phản cảm, được học sinh quay clip post lên mạng, nhưng sau đó xét ra thì cô giáo đó nói trong giờ dạy thêm.
“Sơ hở ở đây là trong giờ dạy thêm thì việc quản lý nhà nước về hành vi của các thầy cô giáo như thế nào. Do đó nên nghiên cứu bổ sung thêm một số điều. Hay trong học gia sư, thầy giáo mà dâm ô học sinh ở nhà học sinh thì sẽ xử lý thế nào?” – bà Hải băn khoăn.
Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) do Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày cho biết: Có ý kiến đề nghị chương trình giáo dục phổ thông là thống nhất, xây dựng một bộ SGK chung cho cả nước; làm rõ tiêu chí lựa chọn SGK.
UBTVQH cho rằng, hiện nay quy định về chương trình, SGK giáo dục phổ thông trong Dự thảo Luật đã cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 88/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Theo tinh thần các Nghị quyết, chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục thông qua. SGK là công cụ để triển khai chương trình giáo dục phổ thông và được thẩm định, phê duyệt ban hành bởi Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.
Dự thảo Luật quy định, về tiêu chuẩn, quy trình thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK; việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và được triển khai linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục; việc ban hành quy định về chọn SGK (Điều 31). Đồng thời Dự thảo Luật quy định: Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông, SGK (Khoản 3 Điều 31).
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải |
Vì vậy, UBTVQH đề nghị giữ như quy định Dự thảo Luật về chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Theo đó, “mỗi môn học có một hoặc một số SGK; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK. Cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập có tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện thực tiễn”.
Thảo luận tại phiên họp, một số đại biểu còn băn khoăn về việc, quy định như vậy đã phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 29 và Nghị quyết 88 hay chưa, và liệu có phù hợp với thực tế hay không. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, việc cơ sở giáo dục có quyền lựa chọn SGK và tham khảo ý kiến của cha mẹ học sinh khá phức tạp, sẽ phát sinh chuyện “chạy” bộ SGK được chọn; đồng thời cũng sẽ gây lãng phí.
Còn theo ông Phan Thanh Bình, dự thảo Luật lần này xây dựng theo hướng, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình SGK thống nhất trên cả nước, trên cơ sở đó các tổ chức, cá nhân sẽ biên soạn SGK. Và không phải SGK quyết định chương trình mà chính chương trình sẽ quyết định SGK.
Giải trình thêm tại phiên họp về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, ban đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ muốn làm 1 bộ SGK thống nhất, song để tránh độc quyền thì dự thảo Luật đã chuyển sang hướng có nhiều bộ SGK. “Cũng như bài văn, mình chỉ duyệt đề cương chi tiết, còn lời văn như thế nào là tuỳ từng nơi. Song cuối cùng cũng phải có người duyệt bài văn đấy, tức là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm”, Phó Thủ tướng lấy ví dụ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định, tinh thần là phải có cách làm sao để sử dụng SGK đảm bảo tiết kiệm, đồng thời sẽ giao Ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu và chỉnh sửa cho hợp lý hơn.
Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các nội dung và các ý kiến thảo luận để tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ trước khi xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 4-4-2019 tới.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các bộ ngành có liên quan cùng phối hợp với cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra để hoàn thiện toàn diện dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).