Lũ đi qua, “nỗi lo hồ đập” ở lại(!)

Thứ Năm, 21/11/2013, 08:59
Cuộc tranh luận dường như chưa tới hồi kết nhưng có thể khẳng định, việc quản lý các hồ đập nói chung hay cụ thể hơn là quy trình xả nước từ các hồ chứa, hồ thủy điện đang “rất có vấn đề”. Nếu cơ quan quản lý không thể giám sát được việc vận hành các hồ đập thì sẽ rất nguy hiểm(!)
>> Phát triển thủy điện mất kiểm soát và cái giá đắt phải trả

Trả lời chất vấn tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, hiện nay cả nước có 6.800 hồ chứa thủy lợi. Trong những năm qua, Chính phủ đầu tư nâng cấp được 500 hồ. Đến giờ này còn khoảng 1.200 hồ có vấn đề cần tu bổ, sửa chữa. Năm nay có 317 hồ bị hư hỏng. Vừa qua Chính phủ lại bỏ ra 500 tỉ đồng hỗ trợ các địa phương sửa được hơn 90 hồ. “Trận bão nào chúng tôi cũng thông báo rất cụ thể cho từng địa phương là cái hồ nào nguy hiểm, đề nghị cử người đến đó gác, khi có nguy hiểm, là phải có biện pháp xử lý ngay” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Trong số các hồ chứa thủy lợi, thì tại “khúc ruột” miền Trung, nơi “hứng bão” cho cả nước, lại là nơi có mật độ hồ chứa thủy lợi, thủy điện nhiều nhất cả nước. Đơn cử, tỉnh Thanh Hóa có 610 hồ chứa nhưng có đến 92 hồ không đảm bảo an toàn. Tại tỉnh Hà Tĩnh có 345 hồ chứa lớn nhỏ, 57 đập dâng với tổng dung tích trên 785,6 triệu m3 nước. Trong số đó, 100 hồ chứa và đập nhỏ đã xuống cấp, đặc biệt 17 hồ đập lớn... đã báo động đỏ. Quảng Bình và Quảng Trị có 277 hồ thủy lợi phần lớn hư hỏng, xuống cấp…

Đánh giá của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho thấy, phần lớn các hồ chứa, nhất là các hồ thủy lợi vừa và nhỏ đã được xây dựng từ 30 đến 40 năm trước, nên số liệu tính toán, kinh nghiệm thiết kế, kỹ thuật thi công hạn chế, nhiều hồ đập không còn phù hợp với điều kiện mưa lũ cực đoan hiện nay. Ngoài ra, việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý an toàn đập của chủ đập chưa đầy đủ, nghiêm túc.

Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhận định “công tác quản lý Nhà nước về an toàn đập của các Bộ, ngành, địa phương dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn lúng túng, bị động”. Thực tế thì phần lớn hồ chứa loại nhỏ đang nằm rải rác tại các địa phương gần như “ngoài vùng phủ sóng” của Trung ương do được phân cấp cho địa phương, nhưng “ông chủ” thực sự lại là các đơn vị khai thác thủy lợi. Bởi vậy mới dẫn đến tình trạng, cứ mỗi mùa mưa, khi chính quyền lo ngay ngáy chuyện chống lũ cho dân, thì các hồ đầy nước lại thi nhau “tháo van” xả lũ, thêm nước cho vùng hạ lưu, tăng nhanh tình trạng ngập lụt.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nêu dẫn chứng, trong cơn bão số 11 đang gây lũ lụt lớn khắp các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình, thì khu vực này có đến 13/20 hồ thủy điện lớn đang xả lũ, chưa kể các hồ thủy lợi. Còn tại trận lũ lịch sử cách nay mấy ngày, báo chí và người dân đồng loạt lên tiếng chỉ trích việc thủy điện xả lũ, đã “góp phần” nhấn chìm vùng hạ du. Bởi lẽ tổng lượng mưa không lớn, nhưng lũ lại bằng thậm chí vượt mức lũ lịch sử năm 1999. Nhiều người còn cho rằng, miền Trung gánh “nhân tai” lũ chồng lũ là do thủy điện xả nước không đúng quy định. Có đại biểu Quốc hội còn đề nghị xử lý hình sự, truy cứu trách nhiệm hình sự trong việc xả lũ. Vì “không thể vì lợi ích nhỏ mà hi sinh lợi ích lớn của nhân dân”.

Ngược lại, cũng có ý kiến từ cơ quan chức năng biện minh rằng “thủy điện không có khả năng tăng lũ” hoặc “chưa có thủy điện nào xả không đúng quy trình”... Nhiều địa phương cũng phản ảnh, công tác dự báo mưa chưa được chính xác, dẫn tới câu chuyện hồ chứa “xả lũ giữa lúc mưa to”.

Cuộc tranh luận dường như chưa tới hồi kết nhưng có thể khẳng định, việc quản lý các hồ đập nói chung hay cụ thể hơn là quy trình xả nước từ các hồ chứa, hồ thủy điện đang “rất có vấn đề”. Nếu cơ quan quản lý không thể giám sát được việc vận hành các hồ đập thì sẽ rất nguy hiểm(!)

Thiên Thanh
.
.
.