Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp xúc cử tri tại các địa phương

Thứ Ba, 09/10/2018, 08:47
Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, sáng 8-10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Tổ đại biểu số 1 Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Ba Đình.

Cùng dự buổi tiếp xúc cử tri có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của thành phố và hai quận Hoàn Kiếm, Ba Đình.

Sau khi nghe Thiếu tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội báo cáo với cử tri dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV và đại biểu Trần Thị Phương Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội báo cáo trả lời của các bộ, ngành và UBND TP Hà Nội đối với các kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, cử tri hai quận Hoàn Kiếm, Ba Đình đã nêu các ý kiến, kiến nghị về những vấn đề quan tâm.

Phấn khởi trước sự thành công của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII), ông Lê Đức Hạnh (phường Kim Mã) cho biết, việc Ban Chấp hành Trung ương thống nhất rất cao giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV là sáng suốt.

“Ban Chấp hành Trung ương đã tin tưởng giới thiệu đồng chí là người đủ đức, tài, đúng người, đúng việc, xứng đáng vào vị trí rất quan trọng. Dân tuyệt đối tin tưởng, đồng tình ủng hộ và mong Tổng Bí thư tiếp nhận trọng trách cao cả này để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Đảng, nhân dân được lâu hơn, nhiều hơn, đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta, cùng với toàn Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân xây dựng quốc gia phát triển, văn minh, theo con đường của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn”, ông Hạnh bày tỏ.

Cử tri Hạnh cũng cho biết, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư, công cuộc phòng chống tham nhũng đã đạt nhiều kết quả quan trọng, song so với tình hình tham nhũng lãng phí hiện nay thì việc thu hồi tài sản còn rất khiêm tốn, việc xem xét xử lý các vụ tham nhũng còn rất chậm, đề nghị có giải pháp thu hồi tài sản nhanh, hiệu quả nhất.

“Cử tri tuyệt đối tin tưởng và đồng tình, ủng hộ công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí, vì vậy, đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ có giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn để đem lại nhiều kết quả trong phòng chống tham nhũng, lãng phí”, ông Hạnh nêu ý kiến.

Ông Hạnh cũng bày tỏ sự tin tưởng vào Trung ương khi lần đầu tiên BCH Trung ương đã cụ thể hóa quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng phải gương mẫu đi đầu.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri TP Hà Nội.

Cử tri Trần Viết Hoàn (phường Vĩnh Phúc) dẫn lại sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đến nay, thêm nhiều vụ án lớn được đưa ra, nhiều vụ việc gây bất bình trong dân và trong đời sống xã hội đang dần được phơi bày như vụ MobiFone mua AVG, vụ Vũ “nhôm”, vụ đánh bạc công nghệ cao.

Ông Hoàn mong muốn Đảng, Nhà nước có chế tài nghiêm minh, chặt chẽ, công khai khi đưa cán bộ vào vị trí lãnh đạo.

Tại cuộc tiếp xúc, nhiều vấn đề “nóng” trong xã hội cũng được cử tri nêu ý kiến như việc thừa giáo viên, vấn đề sữa học đường, sách giáo khoa, việc xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc...

Trò chuyện với cử tri, Tổng Bí thư đề cập đến vấn đề mới vừa được Hội nghị Trung ương 8 xem xét về quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, mà trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng. 

Theo Tổng Bí thư, Đảng đã có nhiều quy định quy chế, như 19 điều đảng viên không được làm, rồi 27 biểu hiện suy thoái... Đó là trách nhiệm chung mọi cán bộ đảng viên phải làm, "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau". 

“Không gương mẫu thì làm cán bộ làm gì”, Tổng Bí thư nhấn mạnh. Tổng Bí thư cho biết, Trung ương đã cân nhắc từng câu từng chữ của Quy định trách nhiệm nêu gương. Theo Tổng Bí thư, đây là lần đầu tiên trong lịch sử nói thẳng ra là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, chứ không nói chung chung, để từng anh phải soi vào.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tiếp xúc cử tri tại Long An

Ngày 8-10, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đã có cuộc tiếp xúc cử tri huyện Đức Hòa (Long An).

Tại buổi tiếp xúc, cử tri gửi đến các đại biểu Quốc hội nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến các vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội… của đất nước. 

Theo đó, cử tri bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ với những kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua; đề nghị Đảng, Nhà nước cần tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tạo sự răn đe. Cử tri cũng mong muốn các cấp, các ngành tăng cường thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy nền kinh tế phát triển một cách bền vững; quản lý chặt chẽ nợ công theo hướng ngày càng thu hẹp, không để tạo sức ép lên nền kinh tế.

Về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng giả, cử tri đề nghị cần có chế tài mạnh mẽ hơn nữa như thu hồi giấy phép kinh doanh, đóng cửa cơ sở sản xuất, kinh doanh… chứ không dừng lại ở việc xử lý hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật. 

Một số cử tri huyện Đức Hòa còn phản ánh các nội dung liên quan đến việc nâng cấp xây dựng công trình đường 825, đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất…

Tại buổi tiếp xúc cử tri, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quyết tâm thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, thể hiện qua việc nhiều vụ án lớn được phát hiện, từng bước đưa ra xét xử như vụ xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí, vụ Vũ "nhôm"… 

Thời gian tới, các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác này nhằm đảm bảo sự trong sạch và hoạt động hiệu quả của bộ máy.

Về vấn đề nợ công, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ khẳng định, nợ công được kiểm soát rất chặt chẽ trong ngưỡng an toàn. Chính phủ cùng các bộ, ngành đang thực hiện nhiều giải pháp để kéo giảm nợ công, đồng thời đảm bảo các yếu tố đầu tư phát triển, thúc đẩy nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cùng các địa biểu Quốc hội cũng tiếp thu, ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của cử tri để chuyển đến Quốc hội và các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tiếp xúc cử tri tại Lai Châu

Ngày 8-10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn đã tiếp xúc cử tri tại huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri nêu nhiều ý kiến tập trung vào các nội dung như: Tiến độ thi công tuyến cao tốc nối Lào Cai - Lai Châu, dự án sân bay Tân Uyên có thực hiện nữa không; xem xét chế độ chính sách công nhân Xí nghiệp Chè Than Uyên giai đoạn từ năm 1978 đến năm 1995; việc cử lực lượng Công an chính quy xuống làm Công an xã có đảm bảo tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy; trên địa bàn vùng núi công chức, viên chức có cần thiết phải có chứng chỉ tiếng Anh, tiếng dân tộc thiểu số...

Tại buổi tiếp xúc cử tri, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Tân Uyên đạt được. 

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân phát huy lợi thế khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế. 

Huyện cũng cần chú trọng thực hiện việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tìm cây trồng có lợi thế phù hợp với địa phương để giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các cấp chính quyền ở huyện Tân Uyên cần quan tâm đến đời sống cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động, nhân dân; thực hiện tốt các chế độ, chính sách, đảm bảo quyền lợi chính đáng hợp pháp của người dân…

Tại buổi tiếp xúc, Phó Chủ tịch Quốc hội đã trả lời một số ý kiến, kiến nghị cử tri liên quan đến vấn đề như: Chế độ chính sách, tiến độ đường cao tốc Lào Cai - Lai Châu; các ý kiến còn lại được các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện trả lời và tổng hợp trình lên các cấp, ngành xem xét, giải quyết…

Cũng tại buổi tiếp xúc, ông Tống Thanh Bình, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu thông báo tới cử tri về một số nội dung trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri tỉnh Hà Tĩnh

Ngày 8-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV tại huyện Kỳ Anh và thị xã Hồng Lĩnh.

Tại cuộc tiếp xúc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh thông báo tới các vị cử tri về các nội dung quan trọng của kỳ họp thứ 6 trong các lĩnh vực xây dựng pháp luật, phát triển kinh tế-xã hội và chương trình giám sát tối cao, vấn đề lấy phiếu tín nhiệm các chức danh mà Quốc hội bầu và phê chuẩn và bầu Chủ tịch nước.

Cử tri huyện Kỳ Anh và thị xã Hồng Lĩnh bày tỏ tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nâng cao đời sống của nhân dân; đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng đạt mức cao.

Cử tri bày tỏ đồng tình và ủng hộ Đảng, Nhà nước đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy hành chính Nhà nước, mang lại niềm tin cho nhân dân vào Đảng, Chính phủ và Quốc hội.

Cử tri cũng bày tỏ nhiều trăn trở, lo ngại đối với sự bền vững của ngân sách Nhà nước khi chi thường xuyên vẫn còn lớn, ảnh hưởng tới chi đầu tư, góp phần bảo đảm sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước; đời sống của cán bộ công chức còn gặp nhiều khó khăn.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ghi nhận các kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Giải đáp kiến nghị của cử tri, Phó Thủ tướng khẳng định mục tiêu tới năm 2025 đưa Kỳ Đồng (huyện Kỳ Anh) trở thành thị trấn, đô thị loại 5. 

“Ngoài nguồn lực từ Trung ương, tỉnh, huyện trong phân bổ, sử dụng ngân sách đầu tư thì địa phương còn có nguồn lực to lớn khác nữa là tầm nhìn dài hơi trong quy hoạch. Giữ được quy hoạch và xây dựng cơ chế điều tiết sử dụng đất thì sẽ sinh ra tiền để đầu tư hạ tầng. Địa phương không nên “chăm chăm phân lô bán nền” vì sẽ không tạo ra được nguồn lực vượt trội”, Phó Thủ tướng nói.

Về các biện pháp giảm chi thường xuyên, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang thực hiện triệt để cơ cấu lại thu chi ngân sách gắn với bảo đảm an toàn nợ công. Trong những năm qua, chi thường xuyên đã giảm từ tỉ lệ chiếm 70% chi ngân sách Nhà nước xuống còn khoảng 63% chi ngân sách hiện nay và còn tiếp tục giảm trong những năm tới.

Chính phủ cũng quyết tâm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18 về tinh gọn bộ máy và Nghị quyết số 19 về đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, trong 2 năm qua, cả nước đã giảm được 150.000 biên chế Nhà nước. Mục tiêu tới năm 2021, biên chế Nhà nước sẽ giảm 10%, tương ứng với giảm 250.000 biên chế.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cho rằng giảm biên chế Nhà nước cũng sẽ góp phần tạo điều kiện để tăng lương cho công chức, bảo đảm thực hiện hiệu quả hơn các nhiệm vụ mà Nhà nước giao. 

Từ nay tới năm 2020, Chính phủ sẽ bảo đảm mỗi năm mức lương cơ bản sẽ tăng 7%. Tới năm 2021, mức lương của công chức thấp nhất hệ thống (hệ số 1,8) sẽ ngang bằng tiền lương của khu vực doanh nghiệp.

Chính phủ, Quốc hội cũng rất quan tâm tới xây dựng, phát triển cơ sở vật chất cho giáo dục và sử dụng hài hoà biên chế cho giáo viên.

Phó Thủ tướng cho biết tỉnh Hà Tĩnh đã có cách làm sáng tạo khi “biệt phái” giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, sắp xếp lại các điểm trường và đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, sâu rộng các giải pháp an sinh xã hội, theo cơ chế thị trường, trong đó có việc nghiên cứu cách thức hỗ trợ tiền điện cho người nghèo trước bối cảnh giá điện tăng cao, phương thức thanh toán hỗ trợ tiền điện còn nhiều bất cập.

PV (Theo TTXVN)
.
.
.