‘Lang vườn’ phán chuyện Bao Thanh Thiên!

Chủ Nhật, 12/04/2015, 16:54
Người Việt có câu “quá mù ra mưa” nhưng ở thời công nghệ số, xu hướng biến tướng đang bị một số kẻ lạm dụng và cổ súy, ấy là chưa mù, không mù cũng cố tìm cách vống ra mưa.

Mục đích “tạo mưa”, tạo bão dư luận được nhân danh dưới lớp áo bảo vệ pháp lý song thực chất là âm mưu kích động, chia rẽ phá hoại. Đáng tiếc, một số người vô tình hoặc cố ý cũng đã “thổi lửa” gây phức tạp tình hình. 

Kể từ sau vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), chuyện án oan, sai được các đối tượng chống đối bám lấy để cổ súy, kích động cho xu hướng cực đoan, đặc biệt những vụ án có bị án tử hình, chung thân hiện đang được cơ quan chức năng xem xét lại (vụ tử tù Hồ Duy Hải ở Long An, Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, Hàn Đức Long ở Bắc  Giang…). Các vụ án này đã qua các cấp tòa sơ thẩm, phúc thẩm, có trường hợp phải giám đốc thẩm (vụ Lê Bá Mai), Chủ tịch nước đã bác đơn ân xá (tử tù Hồ Duy Hải)…

Tuy nhiên, trong và sau quá trình xét xử, do cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan khác phát hiện tình tiết mới hoặc sai sót, những vấn đề chưa được làm rõ trong các cấp xét xử trước đó cũng như đơn kêu oan của bị cáo, thân nhân bị cáo nên cấp có thẩm quyền đã quyết định cho kiểm tra lại một cách thận trọng, chặt chẽ nhất.

Điều 10, Bộ luật tố tụng hình sự về xác định sự thật của vụ án quy định: “Cơ quan điều tra, viện kiểm sát và toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.

Đối với các bị án tử hình càng được xem xét, đánh giá hồ sơ, tài liệu một cách toàn diện, lật đi lật lại, đảo bảo chứng cứ vững chắc nhất. Với tính chất hệ trọng như vậy, không chỉ phía cơ quan tiến hành tố tụng mà các cơ quan giám sát, trực tiếp là Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban chuyên trách đã theo dõi chặt chẽ những bị án tử hình còn có đơn kêu oan hoặc có những vấn đề khác cần phải làm rõ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa những vụ án này vào diện theo dõi, giám sát, cùng việc giám sát chuyên đề về oan, sai trong tố tụng hình sự…

Tất cả những điều đó cho thấy quy trình chặt chẽ và trách nhiệm cao của các cơ quan lập pháp, tư pháp trước vấn đề hệ trọng liên quan quyền công dân, đặc biệt là quyền sống. 

Qua báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố ngày 10/4 vừa qua cho thấy, một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà dư luận quan tâm thì có những vụ án đã xảy ra từ những năm trước, đến nay có vụ đã được giám đốc thẩm, quá trình điều tra, truy tố, xét xử lại cơ bản đã khắc phục được những thiếu sót, vi phạm về thủ tục tố tụng như vụ Lê Bá Mai; bản án phúc thẩm sau cùng năm 2013 có hiệu lực pháp kết án Lê Bá Mai tù chung thân về tội “hiếp dâm trẻ em” và “giết người” là có căn cứ, không sai.

Đối với vụ Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội “giết người” và “cướp tài sản” có những vi phạm về thủ tục, hiện nay các cơ quan có thẩm quyền đang tiến hành xem xét. Đối với các vụ được nhiều cử tri quan tâm như vụ: Huỳnh Văn Nén bị kết án chung thân về tội “giết người” và “cướp tài sản”; vụ Đỗ Minh Đức bị kết án chung thân về tội “giết người”; vụ Hàn Đức Long bị kết án tử hình về tội “hiếp dâm trẻ em” và “giết người”; vụ Đỗ Thị Hằng bị kết án về tội“mua bán phụ nữ”, đến nay chưa có căn cứ xác định bị oan nhưng đã xác định có những vi phạm trong điều tra, truy tố, xét xử.

Như vậy, các vụ án này đang được điều tra lại, chưa có kết luận bị oan, có vụ qua nhiều lần xét xử đã kết luận không oan (vụ Lê Bá Mai). Thế nhưng trên nhiều diễn đàn xuất hiện những bài viết, bình luận theo cách quy kết oan sai, một số truyền tải cái gọi là “thư kêu gọi hỗ trợ quốc tế” hay kêu gọi tổ chức quốc tế lên tiếng can thiệp đòi thả bị án tử hình, từ đó hô hào đả phá cơ quan tiến hành tố tụng. Thậm chí từ chỗ tự quy chụp oan sai rồi “ngâm cứu” ra nguyên nhân do… chưa quy định quyền im lặng trong luật! Thật lạ lùng, vụ án chưa có kết luận nào khẳng định oan sai cả và cũng không có kết luận nào nói bức cung, nhục hình, việc khai báo của bị can, bị cáo là rõ ràng, không hiểu những tác giả bàn phím luận ở đâu ra nguyên do quyền im lặng để gán vấy vào những vụ án cụ thể này?

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội  Nguyễn Văn Hiện, Trưởng đoàn giám sát, về cơ bản, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các cơ quan đã triển khai áp dụng nhiều biện pháp để chấn chỉnh khắc phục tồn tại, thiếu sót trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; nhờ đó tình hình oan, sai đã giảm so với trước đây. Đối với những trường hợp bị oan, báo cáo khẳng định “đều đã được khắc phục ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố”.

Cần khẳng định, để xảy ra oan, sai dù có nguyên do chủ quan, khách quan song đều nằm ngoài ý muốn của cơ quan tiến hành tố tụng. Chúng ta nhận thức rõ rằng, việc để xảy ra oan sai dù ở bất kỳ mức độ nào và dù đối với trường hợp nào cũng là tồn tại trong lĩnh vực tố tụng và việc khắc phục, đi đến hạn chế tới mức thấp nhất là một yêu cầu, đòi hỏi khách quan. Đó cũng chính là nguyên tắc thực thi luật pháp đặt quyền con người ở mức cao nhất để phấn đấu và đảm bảo mức tốt nhất có thể.

Tuy nhiên, trong thực tiễn, không có nước nào đảm bảo được tuyệt đối, không có nước nào không để xảy ra oan, sai trong tố tụng. Tại Mỹ, nơi nhiều người coi “mẫu hình luật pháp” thì oan sai vẫn xảy ra với nhiều vụ nghiêm trọng. Do bị bức cung, Stanley Wrice bị kết án oan những 100 năm tù vì tội hiếp dâm, gây bạo lực có vũ trang, bắt người trái phép và đã phải thụ án oan suốt 31 năm mới được trả tự do.

Đầu năm 2015, tòa án của Mỹ cũng buộc phải tuyên bồi thường cho Ricky Jackson, người đã phải ngồi tù oan gần 40 năm vì tội giết người và mới được trả tự do hồi cuối năm ngoái...

Chỉ có duy nhất bị cáo mới biết mình có thật sự oan hay không và chỉ cơ quan tiến hành tố tụng mới có chức năng pháp lý để kết luận có hay không việc bị oan, sai.

Còn với không ít “anh hùng bàn phím”, chẳng luật sư cũng không phải thân nhân, mọi sự chỉ nghe hơi nồi chõ, gõ lọc cọc ở mấy chữ cái mà luận ra cái chuyện oan, sai tử tù này, vụ việc kia rồi phán xét oan khiên như thánh tướng thì hẳn Bao Thanh Thiên cũng… vái thua!

Đăng Trường
.
.
.