Làm rõ sự phát triển lý luận của Đảng sau gần 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước

Thứ Sáu, 01/06/2018, 09:48
Thực hiện chương trình làm việc toàn khóa, ngày 31-5, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021 đã tiến hành Kỳ họp thứ 6. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì Kỳ họp.

Kỳ họp thứ 6 đã thảo luận, góp ý kiến vào Dự thảo Kế hoạch Tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; trọng tâm là 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011.

Các thành viên Hội đồng đã tập trung thảo luận làm rõ mục đích tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nhất là 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), để góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận - thực tiễn quan trọng bổ sung, phát triển qua các nhiệm kỳ Đại hội Đảng, trọng tâm là chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; tiếp tục hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng, chuẩn bị các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Về yêu cầu và nguyên tắc, tổng kết làm rõ sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trọng tâm là 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), gắn với các kỳ Đại hội Đảng. Với nguyên tắc vững vàng, trên nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để phát triển, bổ sung, làm rõ lý luận về mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong điều kiện mới.

Tổng kết trên cơ sở thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và bám sát thực tiễn, đặc biệt thông qua việc nghiên cứu những mô hình hay, những cách làm mới, sáng tạo; từ đó hoàn thiện, bổ sung, phát triển những vấn đề lý luận đặt ra qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; đề xuất, kiến nghị các giải pháp đột phá, khả thi tiếp tục hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng...

Từ việc tổng kết, xây dựng được khát vọng và tầm nhìn phát triển Việt Nam đến giữa thế kỷ XXI, thể hiện rõ những bước phát triển lớn của đất nước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; làm rõ được động lực phát triển mới của đất nước trong giai đoạn tới - giai đoạn đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, nhất là những động lực phát triển trên nền tảng đổi mới, sáng tạo.

PV (TTXVN)
.
.
.