Thứ trưởng Lê Quý Vương: Làm đường cao tốc cần tính toán tiền phí và trạm thu phí phù hợp

Thứ Tư, 08/11/2017, 18:01
Chiều 8-11, thảo luận ở tổ về Chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Đại biểu (ĐB) Lê Quý Vương (Thượng tướng, UVTƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, đoàn ĐB Hưng Yên) nhất trí với chủ trương cần thiết phải xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam. ĐB đặt vấn đề về tiền phí và vị trí đặt trạm thu phí.


ĐB Lê Quý Vương nêu ý kiến “làm đường cao tốc là rất cần thiết, tuy nhiên, giá dịch vụ phải phù hợp với khả năng chi trả của người dân và vị trí đặt trạm thu phí phải đúng với dịch vụ người dân sử dụng. Không thể làm đường một nơi, thu phí một nẻo dẫn đến việc người dân không đồng thuận. Việc chi trả tiền lẻ để đối phó ở một số trạm thu phí vừa rồi rõ ràng có việc đặt trạm thu phí chưa đúng, chưa hợp lòng dân”. 

ĐB Lê Quý Vương dẫn chứng việc thu phí tại cầu Việt Trì, Phú Thọ “mặc dù có cầu mới nhưng người dân không sử dụng  mà vẫn sử dụng cầu cũ, vì cầu cũ không mất tiền, cũng không ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của họ. Chính vì vậy, việc làm đường phải tính toán kỹ vị trí và nhu cầu sử dụng”.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương bên lề Quốc hội.

Bên cạnh đó, ĐB Lê Quý Vương cũng đề xuất phương án quản lí, thu phí bằng công nghệ thông tin “Các nước đã áp dụng công nghệ thu phí không dừng, tự động từ lâu. Việc này rất văn minh, hiện đại và thuận lợi cho cả người quản lí và người sử dụng”.

ĐB Lê Quý Vương nêu quan điểm cần nhanh chóng áp dụng công nghệ thông tin trong việc kiểm soát an toàn giao thông. “Việc CSGT  lập chốt ở từng đoạn đã lỗi thời nếu có hệ thống camera giám sát, sẽ giảm bớt số lượng cảnh sát phải ra đường và hoàn toàn ngăn chặn được tiêu cực” – ĐB Lê Quý Vương nhấn mạnh.

Nỗi lo đội vốn khi làm đường cao tốc Bắc – Nam

Chiều 8-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Theo Tờ trình của Chính phủ, đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP. Hồ Chí Minh, đi qua 32 tỉnh, thành phố và các vùng kinh tế - xã hội của cả nước và đặc biệt là kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông được Chính phủ lựa chọn theo thứ tự ưu tiên đầu tư mang tính cần thiết, cấp bách trên cơ sở nhu cầu vận tải, quy hoạch đã được phê duyệt và khả năng cân đối nguồn lực để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả đầu tư. 

Đa số đại biểu cho rằng, phương án phân chia Dự án thành các dự án thành phần, triển khai vận hành độc lập trên cơ sở bảo đảm yêu cầu về tính đồng bộ và khả năng kết nối của Chính phủ là phù hợp. Tuy nhiên, cần phải bảo đảm tiêu chí rõ ràng, công khai, minh bạch và phù hợp với điều kiện kinh tế, kỹ thuật đối với các dự án thành phần.
Đại biểu Trần Anh Tuấn và Nguyễn Nhân Chiến

Đại biểu Trần Việt Khoa (Hà Nội) lo lắng khi nguồn vốn đầu tư cho đường cao tốc Bắc – Nam là 118.716 tỷ đồng vì đây là nguồn vốn lớn, nếu không đảm bảo kịp thời sẽ dẫn đến lỗ vốn “Đề nghị Chính phủ làm rõ hiệu quả đầu tư, khi mà ngân sách hoàn toàn dựa vào nguồn vốn vay. Nếu thông qua thì Chính phủ phải có Ban Chỉ đạo, sâu sát để tránh tiến độ chậm, lỗ vốn, chất lượng không bảo đảm”.

Đại biểu Trần Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu TP HCM cũng lo ngại việc giải phóng mặt bằng, thu hồi 3.736 ha, ảnh hưởng tới hơn 200.000 hộ dân nếu không được giải quyết tốt sẽ dễ nảy sinh khiếu kiện. “Về môi trường, đoạn Nghi Sơn – Bãi Vọt, Nha Trang – Phan Thiết…có những tuyến thoát lũ lớn, vì vậy phải tính đến những tuyến đường thoát lũ.

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng lo lắng về nguồn vốn, ĐB Trí cho biết “theo các chuyên gia kinh tế giá xây dựng 118.716 tỷ đồng là không đúng, đề nghị Chính phủ xem xét giá cho gần hơn, sát hơn. BOT làm rõ tiêu chí nào, cách thu phí cần làm rõ để khi đưa vào hoạt động không bị vướng trong quá trình triển khai về sau”. 


Cho ý kiến về dự án luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao

Cũng trong chiều nay, đại biểu Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao liên quan đến những nội dung cụ thể như: phạm vi sửa đổi, bổ sung dự án Luật; phát triển thể dục, thể thao quần chúng; thể dục, thể thao thành tích cao; thi đấu thể thao quần chúng; giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; quyền và nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao; phát triển thể thao chuyên nghiệp và câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp…


Thu Thuỷ
.
.
.