Kỳ họp thứ 9 sẽ cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai

Thứ Tư, 18/12/2019, 12:21

Sáng 18-12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về Dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV.



Thông qua 10 luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến 7 dự án luật

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, dự kiến Kỳ họp thứ 9 Quốc hội sẽ dành 11 ngày cho công tác lập pháp, trong đó xem xét, thông qua 10 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 7 dự án luật khác.

Các dự án luật, dự thảo nghị quyết được xem xét thông qua gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án;

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

7 dự án luật được xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 gồm: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, tại Tờ trình số 1750 ngày 20-11-2019, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị UBTVQH bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

“Đề nghị UBTVQH yêu cầu Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khẩn trương hoàn chỉnh dự án Luật, trình UBTVQH chậm nhất là phiên họp tháng 4-2020 để có căn cứ cho việc xem xét, quyết định bổ sung dự án Luật này” – Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Quốc hội giám sát tối cao về phòng, chống xâm hại trẻ em

Theo ông, Quốc hội dự kiến dành 9,5 ngày cho các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác: Xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018;

Quốc hội dành 1 ngày làm việc tại hội trường để giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2021. Xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030;

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ Kọp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; UBTVQH báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV;

Quốc hội cũng sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét báo cáo của UBTVQH về kiến nghị giám sát của UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội khi cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát (nếu có)...

Dự kiến Kỳ họp thứ 9 Quốc hội làm việc 20,5 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20-5-2020 và bế mạc vào ngày 17-6-2020.

Đề nghị đổi mới thảo luận kinh tế - xã hội

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị nên đổi mới hơn trong xem xét, thảo luận kinh tế - xã hội. “Như kỳ họp trước tôi đã đề xuất, chúng ta nói là khó vì thông lệ thế. Nhưng qua chủ trì theo dõi thảo luận thì tôi thấy những vấn đề đại biểu nêu trong kỳ họp tháng 10 năm nay cũng lại nêu lại trong kỳ họp tháng 5 năm sau”, ông nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Theo ông, giữa tháng 10 với tháng 5 thì đã chỉ ra cơ bản vấn đề tồn tại, yếu kém, ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân. Bây giờ lại thảo luận báo cáo bổ sung, mà bổ sung cũng không có gì mới so với báo cáo đã trình. “Cứ như thế này thực sự hình thức, không sâu và trùng lắp”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định, đề nghị không thảo luận về báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 tại Kỳ họp thứ 9 hoặc chỉ thảo luận về việc tổ chức thực hiện.

Ông cũng nêu ý kiến nên đổi mới theo hướng, kỳ họp giữa năm tập trung vào việc xây dựng hệ thống pháp luật, còn kỳ họp cuối năm nên dành cho thảo luận về kinh tế - xã hội.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị tập trung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9 đảm bảo ngắn gọn, hiệu quả và đổi mới ngay việc thảo luận về kinh tế - xã hội, tập trung công tác xây dựng pháp luật.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu.

“Kinh tế - xã hội năm 2019 lần này chúng ta thảo luận nhiều, thì đến kỳ họp tháng 5-2020 cần xem lại các chỉ tiêu kinh tế - xã hội có gì mới không, tăng hay giảm, chứ không nên thảo luận nữa. Trong thảo luận cần đánh giá tình hình những tháng đầu năm và tìm ra giải pháp cho những tháng cuối năm để đỡ trùng, đỡ mất thời gian. Còn lại gửi báo cáo đầy đủ cho đại biểu” – Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Một số Bộ trưởng nói “như tên lửa”

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, báo cáo đánh giá một số Bộ trưởng trả lời chất vấn chung chung nhưng ông theo ông không phải vậy. “Một số người phát biểu lưu loát, nhưng nói như tên lửa thì cử tri làm sao nghe kịp, trong khi nhân dân lại có nhiều vùng miền khác nhau”, ông lý giải.

Liên quan đến việc đại biểu hỏi nhanh, Bộ trưởng trả lời nhanh khiến người dân nghe không kịp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề cập tình trạng đại biểu Quốc hội hỏi trong thời gian 1 phút mà “một câu 4 ý”, đồng thời cho biết sẽ rút kinh nghiệm điều này ngay đầu kỳ họp...

Toàn cảnh phiên họp.

Trước đó, đánh giá về Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng tuy đây là kỳ họp thường kỳ nhưng quan trọng và có nhiều nội dung cả mấy chục năm mới quyết nghị, có những công việc của những năm tiếp theo chứ không chỉ của nhiệm kỳ này. “Tất cả nhiệm vụ đặt ra cơ bản hoàn thành đạt chất lượng cao, để lại nhiều kinh nghiệm quý về công tác lãnh đạo, điều hành. Ví dụ sự thống nhất trong đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, quyết nghị những vấn đề vĩ mô...” – Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo bà, sự phối hợp giữa Quốc hội và Chính phủ, sự chia sẻ của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan soạn thảo, các cơ quan trình nội dung trước Quốc hội cơ bản thống nhất, có những tranh luận tương đối gay gắt nhưng sau đó vẫn thống nhất được, giải toả được nhiều việc...

Phiên họp thứ 40 của UBTVQH cũng đã bế mạc sáng cùng ngày.


Quỳnh Vinh
.
.
.