Kiến nghị phòng chống tham nhũng trong chính các cơ quan chuyên trách
- Kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực kiểm toán để phòng chống tham nhũng
- Phát huy vai trò của báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng chống tham nhũng
- Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc tại Lâm Đồng
- Báo chí cần tiếp tục vai trò tiên phong trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí
- Ngành Nội chính là "tai mắt" của Đảng về phòng, chống tham nhũng
Tập trung rà soát, thanh lọc đội ngũ cán bộ
Tại phiên họp thứ 38, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 14-10, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội cho biết, bên cạnh nhiều vấn đề cụ thể được giải quyết kịp thời, đối với một số nhóm vấn đề lớn mà người dân phản ánh cũng được quan tâm tìm giải pháp tháo gỡ, bước đầu có chuyển biến.
Nêu vấn đề “tham nhũng vặt”, báo cáo cho biết, ngay sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 10 về ngăn chặn và xử lý “tham nhũng vặt”, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra “tham nhũng vặt”; về rà soát, chuyển đổi những vị trí công tác nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực; lắp đặt thiết bị công nghệ để giám sát công chức khi tiếp xúc với người dân...
Tuy vậy, theo bà Nguyễn Thanh Hải, hiện tượng tham nhũng xảy ra trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cơ quan bảo vệ pháp luật đã được cử tri phản ánh từ lâu.
“Ngoài ra từ thực tế phát hiện sai phạm của một số thanh tra viên Bộ Xây dựng tại tỉnh Vĩnh Phúc, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT bị khởi tố, bắt tạm giam trong thời gian gần đây cho thấy, đây là một hiện tượng có thật, tuy không phổ biến nhưng tác hại, hậu quả mà nó gây ra trong dư luận xã hội là rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tin của nhân dân” – bà Nguyễn Thanh Hải nói.
Bà Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo |
Do đó, cơ quan này kiến nghị người đứng đầu cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cơ quan bảo vệ pháp luật cần tập trung rà soát, thanh lọc đội ngũ cán bộ, chuyển đổi vị trí công tác đảm bảo bố trí đúng cán bộ có năng lực, phẩm chất và đạo đức công tác tại các vị trí nhạy cảm này
Kiến nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ GD và ĐT để xảy ra gian lận thi cử
Trong báo cáo, bà Nguyễn Thanh Hải dẫn trường hợp cử tri nhiều địa phương kiến nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong việc xảy ra gian lận thi cử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018. “Bộ đã tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và đề ra giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, trả lời không nêu rõ có cá nhân, đơn vị nào vi phạm hay không, mức độ vi phạm và xử lý như thế nào?” – Bà Nguyễn Thanh Hải đặt vấn đề và cho biết, cử tri cho rằng, vụ gian lận thi cử năm 2018 vừa qua, nhìn chung các địa phương, đặc biệt là Hòa Bình và Sơn La đã xử lý nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với cán bộ, đảng viên có vi phạm. Có thể nói, những sai phạm chủ yếu là do lỗi chủ quan của cán bộ giáo dục tại một số địa phương. Tuy nhiên, Bộ còn chưa kiểm soát tốt được toàn bộ tình hình diễn biến trong kỳ thi 2018, đặc biệt là quá trình chấm thi.
Bên cạnh đó, Bộ cần tiếp tục rà soát, công khai những sai sót trong phần mềm chấm thi, vì việc chấm thi tốt nghiệp THPT có sử dụng phần mềm này đã diễn ra từ năm 2016, vậy những kỳ thi trước đã từng xảy ra sai sót nào hay chưa?
“Đối với kỳ thi 2019, cử tri đánh giá cao công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, tuy nhiên cử tri còn băn khoăn về trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ GD trong kỳ thi 2018 và mong muốn Bộ GD&ĐT khẩn trương tiếp tục rà soát, xử lý những vi phạm tại kỳ thi 2018 nếu có, để đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật” – báo cáo nhấn mạnh.
Có hiện tượng “ép” phụ huynh tự nguyện tài trợ
Báo cáo cho biết hiện tượng thu trái quy định vẫn diễn biến phức tạp. Xuất hiện nhiều hình thức mới để vận động tiếp nhận tài trợ từ phụ huynh dưới danh nghĩa xã hội hóa giáo dục, “ép” phụ huynh tự nguyện tài trợ qua Ban đại diện cha mẹ học sinh, qua các thầy cô giáo.
Mục đích tài trợ thường không rõ ràng, như yêu cầu sửa sang cơ sở vật chất, làm mái che, sân chơi, sửa cổng trường, nhà vệ sinh, hệ thống điện, mua máy chiếu, lắp điều hòa, mua mực in,...
Theo bà Nguyễn Thanh Hải, việc chi tiêu, quản lý số tiền này trong một số trường hợp còn chưa minh bạch, gây bất bình trong dư luận phụ huynh, đặc biệt là gây lo lắng, áp lực lớn đối với những gia đình người lao động, làm công ăn lương, hoặc có thu nhập thấp, không ổn định vì số tiền đóng góp trong một số trường hợp không phải là nhỏ.
“Đây là hiện tượng đã tồn tại quá lâu, cử tri liên tục kiến nghị nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, kiến nghị Bộ GD&ĐT tăng cường thanh tra, kiểm tra trong nội bộ ngành, phối hợp chặt chẽ với địa phương phát hiện xử lý nghiêm, tập thể, cá nhân vi phạm, trường hợp cần thiết kiến nghị Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra chuyên đề nội dung trên” – Báo cáo nhấn mạnh