Kiến nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc sau khi Báo CAND đưa tin

Thứ Ba, 03/11/2015, 10:31
Liên quan đến những tồn tại dai dẳng trong quản lý đất nông, lâm trường mà Báo Công an nhân dân đã có loạt bài “Cần chặn đứng sự chảy máu của đất và rừng nông lâm trường”, bên lề Quốc hội ngày 2/11, PV đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang – người đã có lời hứa trước Quốc hội là nếu có 1.000 tỷ đồng, sẽ có thể giải quyết vấn đề này trong năm 2016.


PV:
Thưa Bộ trưởng, lần trước giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng đã hứa nếu có 1.000 tỷ đồng có thể giải quyết vấn đề đất nông, lâm trường trong năm 2016. Liệu lời hứa này có thể thực hiện được không?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Lần này trong nghị quyết của Quốc hội có thể sẽ có ý đó. Hiện nay, Chính phủ đã đồng ý bố trí hơn 640 tỷ đồng, nhưng tôi đề nghị là phải 1.000 tỷ, bởi vì nông, lâm trường đều ở những nơi hết sức khó khăn, ở miền núi cả. Nhưng chúng ta nhìn vấn đề nông, lâm trường phải nhìn một quá trình lịch sử. Trước đây, các nông, lâm trường có ý nghĩa lịch sử của nó, ví dụ trong vấn đề bảo vệ biên giới. Có điều là chúng ta chưa quyết liệt trong việc giải quyết các tồn tại theo Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị. Nhưng lần này tôi có hứa với Quốc hội nếu đảm bảo 1.000 tỷ đồng kia thì trong năm 2016 sẽ giải quyết xong vấn đề đất đai. Đấy là lời hứa của tôi.

PV: Xin Bộ trưởng cho biết, số tiền đó sẽ được sử dụng vào các mục đích gì?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Cái đó chỉ đo vẽ hồ sơ địa chính thôi, và kinh phí cũng chuyển về địa phương hết, chứ Bộ chúng tôi không có gì ở đấy cả. Đấy là nhiệm vụ của địa phương. Điều quan trọng nhất trong xử lý vấn đề này phải là địa phương. Bộ chúng tôi chỉ quản lý về mặt pháp luật, về chính sách, hướng dẫn… Theo tôi biết, tới đây sẽ có một giám sát về đất nông, lâm trường.

PV: Thưa Bộ trưởng, điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta cũng chỉ giải quyết được vấn đề trên hồ sơ giấy tờ, còn thực chất những vấn đề tranh chấp, chồng lấn… trên thực địa vẫn chưa thể giải quyết được, trong khi đó mới là vấn đề phức tạp hơn cả?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Kinh phí đó chỉ sử dụng vào việc đo đạc địa chính. Tồn tại trên thực địa cũng sẽ phải xử lý, trên cơ sở đo vẽ hồ sơ địa chính rồi thì xác định xem chủ thể nó là ai, có thể là công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, cũng có thể là hộ gia đình… ta sẽ xử lý.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội.

PV: Như vậy, đến bao giờ chúng ta mới có thể phát huy được tiềm năng từ hàng triệu ha đất nông, lâm trường đó?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Trước đây, tôi đã có giải trình. Chúng ta nói đất nông, lâm trường hơn 7 triệu ha, nhưng chỉ có 600 nghìn ha là đất nông nghiệp, còn lại là đất rừng. Chúng ta cứ nói là hiệu quả thấp, nhưng diện tích đất nông nghiệp rất ít và chủ yếu của Tập đoàn Công nghiệp cao su, cà phê… Còn đất lâm nghiệp chủ yếu đất phòng hộ là chính, có một ít rừng sản xuất, tất nhiên giá trị của nó rất thấp. Chúng ta so sánh như thế là khập khiễng. Phần nào giờ dân nhận khoán thì ta phải đo vẽ, sau đó hợp thức hoá, cấp giấy chứng nhận cho họ, để họ quản lý, còn vượt quá hạn mức thì phải thuê. Hiện nay, cũng có một số vị vào đấy được giao diện tích lớn thì giờ phải đo vẽ, để xử lý, ví dụ đất rừng anh được bao nhiêu, quá số đó anh phải thuê hoặc nếu không phải trả lại. Hướng xử lý là như thế. Vấn đề là phải kiên quyết lắm mới làm được.

PV: Như vậy tiềm năng kinh tế của 7 triệu ha đó là không có nhiều để kỳ vọng?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Đất đó chủ yếu đất rừng, chức năng phòng hộ là nhiều hơn. Tất nhiên, sắp tới điều chỉnh quy hoạch đất này có thể tăng diện tích đất sản xuất lên 1 triệu ha, chúng ta nhìn tiềm năng kinh tế là nhìn vào đấy. Chứ đất nông nghiệp về cơ bản vẫn như thế. Vấn đề quan trọng nữa trong giải quyết vấn đề này phải là địa phương. Tôi đang kiến nghị Thanh tra Chính phủ chủ trì việc thanh tra này, vì nó liên quan đến nhiều vấn đề phức tạp của một quá trình rất dài, bao nhiêu chính sách về đất đai chồng lên nhau. Bao nhiêu thế hệ cán bộ họ cũng về hưu hết rồi. Nhưng vấn đề phải có một quyết tâm chính trị rất cao mới làm được. Lần trước tôi đã có lời hứa về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cơ bản đạt 85%, hiện nay đạt hơn 90%. Lần này tôi dám hứa với Quốc hội. Đó là lời hứa của tôi.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Trao đổi thêm với PV về dự án sông Đồng Nai, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, hiện Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên & Môi trường xem xét cùng các bộ để xử lý. Bộ đã thành lập một hội đồng thẩm định lại báo cáo tác động môi trường của dự án. “Hiện nay, có vấn đề là báo cáo đó chưa đảm bảo, vì trên cơ sở nghiên cứu sơ bộ, họ cho rằng không tác động nhiều nên họ cứ làm. Trước đây mới đánh giá sơ bộ, thì giờ phải nghiên cứu đến cùng là tác động hay không tác động. Hiện nay, đang triển khai theo hướng đó. Chúng tôi phải chờ ý kiến của hội đồng, hội đồng lại phải chờ kết quả nghiên cứu của một tư vấn mới (dự kiến là của Đại học Thuỷ lợi). Tới đây xử lý thế nào tuỳ theo tác động nhiều hay ít thì chúng ta quyết định. Quan điểm chung tôi muốn chỗ đó sẽ sử dụng là công trình công cộng. Nhưng tôi nói lại là chúng ta phải nói trên cơ sở khoa học, có căn cứ hẳn hoi”. Về xử lý trách nhiệm, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, tinh thần là “không bao che, làm sai là sẽ xử lý”. “Chúng ta chờ kết quả cuối cùng đó, rồi cứ theo quy định của pháp luật, ai sai người đó phải chịu”.

Vũ Hân (thực hiện)
.
.
.