Kiểm toán toàn bộ hay một phần đối với dự án PPP?

Thứ Năm, 28/05/2020, 20:12
Ngày 28/5, Thảo luận dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), nhiều đại biểu quan tâm đó là kiểm toán một phần hay toàn bộ dự án PPP.


Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Lạng Sơn cho rằng dự án PPP mang tính chất đặc thù, vừa công vừa tư, nên không thể áp dụng kiểm toán công toàn bộ hay tư toàn bộ. Vì vậy, kiểm toán phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp luật, hiến pháp. Từ đó, đại biểu đề nghị xem xét thời điểm xác định tiến hành kiểm toán và chỉ nên kiểm toán ở giai đoạn khi công trình đã hoàn thành và chuẩn bị đi vào vận hành. 

Toàn cảnh buổi làm việc.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Quảng Trị cho rằng, luật PPP theo hình thức đối tác công tư chứ không phải đầu tư công, đều có vốn nhà nước và tư nhân. Chỉ khi hết quá trình vận hành, bàn giao cho Nhà nước toàn bộ mới là tài sản công 100%. Do đó, kiểm toán toàn diện không hợp lý vì có dự án nhà đầu tư chỉ yêu cầu Nhà nước hỗ trợ giao đất đai, mặt bằng. Việc kiểm toán chỉ nên ở các tài sản công, còn phần vốn đầu tư tư nhân sẽ kiểm toán giá trị đầu ra, sản phẩm chất lượng đầu ra. 

"Thiết kế luật đã rõ, phần nào ngân sách nhà nước sẽ kiểm toán theo đầu tư công, còn cấu phần nào gồm cả vốn nhà nước và tư nhân, hoặc tư nhân sẽ thuê kiểm toán độc lập để minh bạch. Thiết kế như vậy vừa đúng hiến pháp, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư, Nhà nước và người dân" - đại biểu Đỗ Văn Sinh kiến nghị

Đại biểu Bùi Văn Phương, Ninh Bình nêu quan điểm, dự án PPP là đầu tư công vì dự án này do Nhà nước chủ trì, mời gọi nhà đầu tư tư nhân tham gia và dự án được lập ra dựa trên chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và yêu cầu phát triển đất nước. Nó chỉ khác là do Nhà nước chưa đủ tiền để làm ngay nên cần có sự hợp tác với tư nhân. 

Đại biểu Đỗ Văn Sinh

PPP là dự án đầu tư công vì dự án này phải được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Trong hợp tác công - tư thì phần tư Nhà nước phải trả tiền cho nhà đầu tư bằng giá trị công trình như hợp đồng BT hay bằng quyền thu phí để hoàn vốn trong hợp đồng BOT. Vì vậy, bản chất của hợp tác công - tư là đầu tư công và đã là đầu tư công thì phải tuân thủ việc thực hiện kiểm toán theo đúng quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước.

Đại biểu Bùi Văn Phương nêu 3 vấn đề cần tính toán để kiểm toán liên quan đến dự án PPP. Thứ nhất là kiểm toán tính tuân thủ. Đó là xem dự án có tuân thủ đúng quy định pháp luật, đúng quy định hợp đồng và các quy chế  của dự án không. 

Thứ hai là kiểm toán giá trị công trình để tính được hiệu quả kinh tế của dự án. Việc kiểm toán này phải thực hiện ngay sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng dự án, vì nó liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước phải trả cho nhà đầu tư. 

Thứ ba là kiểm toán về tính hiệu lực, hiệu quả, kinh tế của dự án để bảo đảm công khai, minh bạch. Nếu chúng ta tuân thủ kiểm toán đúng thì sẽ phát huy tác dụng tốt. Việc ngại KTNN vào kiểm toán là những điều không bình thường. Bởi vì khi Nhà nước kêu gọi đầu tư dự án PPP thì luôn bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân, không bao giờ để nhà đầu tư chịu thiệt. 

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn, chúng ta thống nhất cần có KTNN nhưng kiểm toán những gì, nội dung nào và thời điểm nào? Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chỉ kiểm toán những phần thuộc ngân sách nhà nước và 4 nội dung như đã nêu trong dự thảo Luật, tập trung vào 3 vấn đề là tính tuân thủ của lựa chọn nhà đầu tư, chất lượng dịch vụ và giá trị khi chuyển giao cho nhà nước. 

Còn lại, tư nhân có quyền thuê kiểm toán độc lập để bảo đảm bình đẳng giữa hai bên, một bên nhà nước kiểm toán phần nhà nước, tư nhân có thể kiểm toán độc lập phần còn lại. Các quy định này đã bảo đảm chống thất thoát tài sản nhà nước.

Phương Thủy
.
.
.