70 năm trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập

Thứ Năm, 04/04/2019, 15:13
Ngày 4-4, tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ kỉ niệm 70 năm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (4-4-1949 – 4-4-2019) và đón nhận bằng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đây là ngôi trường do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đặt tên và chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh tổ chức thực hiện.


Dự buổi lễ có đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Thái Nguyên và nhiều địa phương; một số học viên cùng đại diện gia đình các học viên tham gia lớp học dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng năm 1949, cùng đông đảo lãnh đạo các cơ quan báo chí, các nhà báo lão thành, nhân dân sở tại…

Đồng chí Thuận Hữu phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Thuận Hữu cho biết: vào sáng 4-4-1949 của 70 năm trước, ngay tại địa danh này, bên bờ sông Công và giữa núi rừng xã Tân Thái huyện Đại Từ ATK Thái Nguyên đã diễn ra một sự kiện quan trọng do Tổng bộ Việt Minh tổ chức: Lễ khai giảng lớp đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Trường do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đặt tên và chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh tổ chức thực hiện. Ban giám đốc trường được chỉ định thành lập gồm 5 người, trong đó ông Đỗ Đức Dục, Phó bí thư Tổng bộ Việt Minh làm giám đốc, ông Xuân Thủy làm phó giám đốc.

Do hoàn cảnh kháng chiến, Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ tổ chức được duy nhất một khóa học ngắn hạn. Tuy số lượng học viên không đông, gồm 42 người, là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước gửi về nhưng có đến 29 giảng viên tham gia giảng dạy, là những đồng chí lãnh đạo giàu kinh nghiệm chính trị và phong phú lý luận, thực tiễn, là những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ có tên tuổi như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nam Cao, Thế Lữ, Nguyễn Tuân …

Các đại biểu dự buổi lễ.

Ba tháng học đã giúp các học viên lĩnh hội một chương trình đồ sộ gồm cả lý thuyết, chuyên môn và thực hành. Lý thuyết có các bài như: Báo chí là gì? Điều kiện người viết báo. Chuyên môn có: phóng sự, điều tra, phỏng vấn, xã luận, tiểu thuyết, thơ ca, tùy bút, nhạc, kịch, châm biếm, cách loan tin, viết tin, cấu tạo một tờ báo, tổ chức tòa soạn, phát hành, in báo. Thực hành là đi thực tế, viết bài và ra báo ở từng tổ. Các giảng viên đến lớp triển khai bài giảng theo từng chuyên đề: xã luận (Trường Chinh), viết tin chiến sự trên báo chí như thế nào (Võ Nguyên Giáp), lên trang (Trần Đình Thọ)...

Đến thăm học viên ngày 22-6-1949, Tổng Bí thư Trường Chinh viết: “Khóa thứ nhất Trường Huỳnh Thúc Kháng này là một thí nghiệm hay. Tôi tin rằng sau khi rút tỉa kinh nghiệm của khóa này, Tổng bộ Việt Minh sẽ thành công hơn trong việc đào tạo cán bộ chiến đấu với quân thù bằng ngòi bút và hướng dẫn dư luận quốc dân”.

Ban tổ chức tặng hoa cho bà Lý Thị Trung, 1 trong 3 nữ học viên của lớp học.

Ngày 6-7-1949, Trường làm Lễ bế mạc. Chủ tịch Hồ Chí Minh bận công việc đã gửi thư biểu dương và nhắc 4 điểm chính về nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích, đối tượng của mỗi tờ báo, mục tiêu của báo chí. 

Người nhấn mạnh: Muốn viết báo thì cần: “1 - Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2 - Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người. 3 - Khi viết xong một bài báo, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu. 4-  Luôn cố gắng học hỏi, luôn cầu tiến bộ…”

Đồng chí Thuận Hữu khẳng định, những dặn dò của Người với các học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng qua 2 lá thư đề ngày 9-6-1949 và 6-7-1949 đã trở thành cẩm nang cho người làm báo cách mạng, là giáo trình của mọi giáo trình cho đến ngày nay... Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là điển hình của cách dạy và học nghiêm túc dù trong hoàn cảnh kháng chiến vô cùng khó khăn. 42 học viên và 29 giảng viên thực sự là những hạt nhân của báo chí cách mạng; họ đã góp phần to lớn làm nên những trang sử vẻ vang của báo chí nước nhà suốt 70 năm qua.

Lễ trao và nhận bằng Di tích lịch sử cấp Quốc gia Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Từ mái trường mái nứa tranh tre giữa đại ngàn Việt Bắc này, các học viên của trường đã tỏa về muôn nẻo, có mặt ở những chiến trường ác liệt nhất, những mặt trận nóng bỏng và phức tạp nhất như các nhà báo Chính Yên, Trần Kiên (Báo Nhân Dân); Mai Thanh Hải, Mai Hồ (Báo Cứu Quốc) hay đạo diễn Bành Bảo, nhà văn Hữu Mai, nhà thơ Hải Như, nhà thơ Từ Bích Hoàng  …

“Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, vài năm đầu thế kỷ này, các học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tuổi dần cao, sức dần yếu vẫn đau đáu nỗi nhớ chiến khu, đã có lần về thăm lại chốn cũ trong các chuyến đi do Trung ương HNBVN và tỉnh Thái Nguyên tổ chức. Mặc dầu xóm Bờ Rạ, Gốc Mít xưa thuộc xã Tân Thái, huyện Đại Từ lúc đó phần lớn đã chìm sâu dưới lòng Hồ Núi Cốc mênh mang, nhưng nhiều học viên vẫn bày tỏ ước nguyện tha thiết được dựng trên mảnh đất cũ tấm bia di tích ghi dấu một phần lịch sử thiêng liêng của nghề báo, của lịch sử báo chí cách mạng…” – đồng chí Thuận Hữu chia sẻ.

Các đại biểu dự lễ khánh thành Bia di tích lịch sử Quốc gia Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Đồng chí Thuận Hữu bày tỏ: “Với trách nhiệm cao trước lịch sử, nhân dịp sự kiện tròn 70 năm của Trường, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã xin ý kiến lãnh đạo Hội nhà báo Việt Nam, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch, tỉnh Thái Nguyên để triển khai việc sưu tầm, hoàn thiện và lập hồ sơ địa chỉ đỏ này. Mong rằng, sau khi Di tích được lập, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ tiếp tục quản lý, nghiên cứu, phát huy giá trị di sản, giới thiệu một cách hiệu quả với công chúng trong và ngoài nước những nét độc đáo và đặc sắc của một ngôi trường đào tạo báo chí hình thành trong khói lửa kháng chiến từ giữa thế kỷ trước”.

“Tại buổi lễ trọng thể này, thay mặt báo giới Việt Nam, tôi chân thành cảm ơn những đóng góp của các học viên, các nhà nghiên cứu lịch sử kháng chiến trong đó có công sức suốt 40 năm tìm hiểu sự kiện này của nhà báo Phan Hữu Minh, để có kết quả hôm nay. Xin cảm ơn các thế hệ lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, các huyện thành, thị; các ngành, đơn vị và nhân dân vùng di tích luôn ủng hộ, giúp đỡ; bảo vệ những giá trị truyền thống của báo chí…” – đồng chí Thuận Hữu nhấn mạnh.

Các đại biểu tham quan Bia di tích lịch sử Quốc gia Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với tỉnh Thái Nguyên tổ chức nghi thức khánh thành Bia di tích lịch sử Quốc gia Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và khai mạc trưng bày chuyên đề Kỷ niệm 70 năm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Vũ Cảnh
.
.
.