Khuyến khích phát triển thiết bị phụ trợ sẽ kéo giảm giá năng lượng tái tạo
- Bão đổ bộ lên Đà Lạt, thủy điện xả lũ, học sinh nghỉ học
- Thủy điện Sông Bung 4 và Đăk Mi 4 khẩn cấp vận hành đón lũ
- Chuẩn bị báo cáo nguyên nhân sự cố thủy điện Sông Bung
- 19 hồ thủy điện phải xả tràn
PV: Trong vòng hơn 3 năm tới, Việt Nam phải tìm ra các nguồn điện để bổ sung sản lượng thiếu khoảng 100 tỷ kWh theo quy hoạch điện VII điều chỉnh. Trong bối cảnh nhiệt điện than gây nhiều quan ngại, theo ông, đâu là nguồn bổ sung khả dĩ Việt Nam nên theo đuổi?
Ông Trần Viết Ngãi: Lưới điện Việt Nam phát triển ngày càng lớn với tốc độ nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng tăng trưởng trung bình mỗi năm từ 11%-12% là áp lực rất lớn với ngành điện. Hiện chúng ta đã bỏ làm điện nguyên tử với công suất 4.000 MW, trong bối cảnh nguyên liệu hóa thạch dần cạn kiện, chỉ còn cách là phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Các nguồn thủy điện công suất lớn, chúng ta đã khai thác hết và cũng đã loại hơn 400 dự án thủy điện nhỏ khỏi quy hoạch. Tuy vậy, theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, trong số các dự án này, cũng có thể xem lại những dự án nào có hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng được nguồn điện cung cấp cho nguồn điện quốc gia và không gây ảnh hưởng đến môi trường rừng, không gây ảnh hưởng cho hạ du và có kế hoạch tái định cư cho người dân tốt thì vẫn nên cho làm.
PV: Căn cứ nào để xác định dự án không gây ảnh hưởng đến môi trường, hạ du... khi các dự án bị loại khỏi quy hoạch vốn đã là các dự án kém hiệu quả?
Ông Trần Viết Ngãi: Trước tiên, các địa phương cần lập lại danh sách các dự án có khả năng xem xét. Tất nhiên, cần tránh những dự án nằm trong lõi rừng, những dự án công suất quá nhỏ cũng như những dự án chặt phá rừng nhiều, phải di dời quá nhiều dân cư. Theo tính toán của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nếu lọc ra trên toàn quốc cũng có thể triển khai từ 300 - 400 dự án với công suất từ 7MW – 30MW/dự án, như vậy sẽ được một lượng công suất nguồn khoảng 3.000 – 4.000 MW, tương đương khoảng 15 tỷ kWh/năm – cũng là một nguồn bổ sung khá lớn.
Trong khi đất nước vẫn còn thiếu nguồn cung năng lượng thì có thêm dù chỉ 1 MW cũng là quý, miễn là từ các nguồn năng lượng sạch, không ảnh hưởng đến môi trường sống của con người. Các dự án thủy điện nhỏ muốn triển khai, cần có sự giám sát chặt chẽ từ khâu tư vấn, các hồ sơ khảo sát, thiết kế, lập dự án cũng cần được duyệt một cách kỹ lưỡng và chặt chẽ, hạn chế được những rủi ro có thể xảy ra.
Ông Trần Viết Ngãi |
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, cần thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, nhưng loại năng lượng này lại có nhược điểm là giá cao. Liệu với mức giá đó, năng lượng tái tạo có được chấp nhận?
Ông Trần Viết Ngãi: Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã có phân tích. Các nguồn năng lượng điện gió, mặt trời, sinh khối có giá thành cao do tất cả các thiết bị như pin mặt trời, hệ thống điều khiển, bộ lưu điện… đều phải nhập từ nước ngoài. Còn ở Trung Quốc, giá bán điện mặt trời của họ chỉ còn 4-5 cent/kWh. Tại thành phố Nam Ninh, họ có vài chục cơ sở sản xuất các thiết bị, pin mặt trời. Ở Việt Nam cũng có vật liệu để sản xuất pin mặt trời, không phải nhập khẩu. Vì vậy, Chính phủ cần có chủ trương cho chế tạo các thiết bị, vật liệu, phụ kiện cho năng lượng tái tạo, thông qua thành lập một loạt các khu công nghiệp chế tạo các sản phẩm phụ trợ liên quan. Khi đó giá thành sẽ giảm rất nhiều. Hiện đã có hơn 17.000 MW điện mặt trời được các nhà đầu tư đăng ký làm ở Việt Nam. Với việc có các cơ chế chính sách phù hợp, Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất các thiết bị cho năng lượng sạch để phục vụ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Giờ đầu tư một nhà máy nhiệt điện công suất 1.200 MW, vốn đầu tư lên tới 3 tỷ USD. Vì vậy việc phát triển hài hòa, tận dụng phát triển được thủy điện vừa và nhỏ và năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm gánh nặng đầu tư cho đất nước.
PV: Cảm ơn ông!