Thời tiết cực đoan: Không thể chỉ đổ lỗi cho 'ông trời'
PV Báo CAND có cuộc trò chuyện với TS Mai Văn Khiêm – Viện Khoa học Khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu:
PV: Chỉ cách đây vài ngày, trận mưa lớn kết hợp triều cường đã khiến TP Hồ Chí Minh ngập sâu, giao thông bị tê liệt…Từ đầu năm tới nay đã liên tiếp xuất hiện những trận mưa lớn với cường độ chưa từng có. Điều gì đang xảy ra vậy, thưa ông? Đó có phải là biểu hiện của BĐKH?
TS Mai Văn Khiêm: BĐKH mà biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Theo báo cáo của Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nhiệt độ trung bình toàn cầu và mực nước biển tăng nhanh trong vòng 100 năm qua, đặc biệt trong khoảng 25 năm gần đây. Ở Việt Nam, trong vòng 50 năm qua (1958 – 2007), nhiệt độ trung bình đã tăng khoảng 0,5 – 0,7ºC, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm. Hiện tượng El Nino, La Nina ngày càng tác động mạnh mẽ. BĐKH thực sự đã làm cho những thiên tai, đặc biệt là bão, lũ và hạn hán ngày càng khốc liệt.
Từ đầu năm 2015 đến nay, chúng ta đã phải đối mặt với các hiện tượng cực đoan khác nhau: hạn hán ở miền Trung và Nam Bộ, nắng nóng ở Trung Bộ và Bắc Bộ, mưa lũ lịch sử ở Quảng Ninh... Những năm gần đây, xuất hiện những đợt rét đậm kéo dài kỷ lục cũng như những đợt rét hại có nhiệt độ rất thấp. Hiện tượng băng tuyết xuất hiện với tần suất nhiều hơn ở các vùng núi cao phía Bắc như Sa Pa, Mẫu Sơn... Nhiều nước trên thế giới cũng phải chịu đựng các đợt thiên tai lũ lụt lớn trong thời gian vừa qua như Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Australia… Các nghiên cứu cũng khẳng định, BĐKH không còn là dự báo mà đang có những tác động mạnh mẽ và rõ rệt đến đời sống cơn người, trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
PV: BĐKH và hệ quả là sự gia tăng các hiện tượng cực đoan có tác động như thế nào đến sự phát triển kinh tế và đời sống xã hội?
TS Mai Văn Khiêm: Tính "thất thường" của thời tiết, đặc biệt là diễn biến của hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan có những tác động mạnh mẽ đến việc lập kế hoạch sản xuất và gây ra những thiệt hại nặng nề cho đời sống xã hội. Các hiện tượng cực đoan có thể tác động độc lập hoặc tương tác với nhau, có thể cường hoá lẫn nhau, làm tăng mức độ phơi bày trước hiểm họa và tính dễ bị tổn thương của hệ thống tự nhiên - xã hội. Trong hơn 30 năm qua tại Việt Nam, bình quân mỗi năm, thiên tai đã làm chết và mất tích khoảng 500 người, bị thương hàng nghìn người, thiệt hại về kinh tế vào khoảng 1,5% GDP, cao hơn so với với các nước có thu nhập trung bình và khoảng 0,3 % GDP đối với các nước có thu nhập thấp.
TS Mai Văn Khiêm. |
PV: Việt Nam đã triển khai nhiều dự án về thích ứng, giảm nhẹ tác động của BĐKH. Những dự án đó có phát huy hiệu quả không, thưa ông?
TS Mai Văn Khiêm: Để hạn chế ảnh hưởng của BĐKH trên toàn cầu cũng như giảm thiểu thiệt hại cho chính mình, Việt Nam hiện đang đi tiên phong trong việc ứng phó với BĐKH và đang thực hiện nhiều sáng kiến, chính sách, hành động thiết thực với sự hỗ trợ, hợp tác của nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế. Các chương trình, dự án đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Xây dựng, cập nhật và công bố kịch bản BĐKH, nước biển dâng; nhận thức về BĐKH của các ngành, các cấp, tổ chức và người dân đã có bước chuyển biến tích cực; thể chế, chính sách, bộ máy tổ chức về BĐKH bước đầu được thiết lập; nhiều hoat động thích ứng với BĐKH, phòng chống thiên tai, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được thực hiện… Một số mô hình thích ứng với BĐKH được triển khai thí điểm Quảng Nam và Bến Tre đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như nhà đa năng tránh bão lũ; kè, kênh thủy lợi kết hợp đường giao thông; nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt… đã mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Nhà nước cũng đã đầu tư xây dựng 226 trạm đo mưa tự động cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống cảnh báo thiên tai, lũ lụt gia tăng trong bối cảnh BĐKH.
PV: Theo ông, cần có giải pháp gì để giảm thiểu tác động của các hiện tượng cực đoan trong bối cảnh BĐKH ở Việt Nam?
TS Mai Văn Khiêm: Do sự nóng lên của khí hậu toàn cầu, những hiện tượng thời tiết bất thường có khả năng xảy ra thường xuyên hơn. Để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, vấn đề quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH cần được phối hợp tốt hơn ở tất cả các cấp và chúng phải được lồng ghép vào các kế hoạch phát triển KT-XH của từng ngành và địa phương. Một trong những bài học quan trọng là cần khuyến khích sự tham gia của người dân vào quá trình quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH. Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi cho người dân thông qua các hình thức giáo dục và truyền thông hiệu quả, chỉ rõ mối liên hệ giữa BĐKH và các cực đoan khí hậu, rủi ro thiên tai.
PV: Ngoài yếu tố BĐKH, ông có nghĩ, những hiện tượng thời tiết cực đoan thời gian qua còn có lỗi của chính con người?
TS Mai Văn Khiêm: Đúng vậy. Không thể chỉ đổ lỗi cho “ông trời”. Sự xuất hiện của các hiện tượng thiên tai là bất khả kháng. Tuy nhiên, chúng ta có thể giảm thiểu những tác động tiêu cực của nó đến các hoạt động kinh tế - xã hội nếu có các giải pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả, ví dụ tăng diện tích che phủ rừng, tránh chặt phá rừng bừa bãi, lồng ghép vấn đề BĐKH trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm hạn chế tối đa tác động không mong muốn của thời tiết và khí hậu. Bên cạnh đó, luôn phải thường xuyên theo dõi những thông tin cảnh báo thời tiết, chuẩn bị sẵn sàng những kế hoạch phòng chống thiên tai để có biện pháp ứng phó khi xảy ra.
PV: Xin cảm ơn ông.