Không tặng quà, logo trong các buổi lễ: Để tránh lãng phí, tham nhũng

Thứ Hai, 11/11/2013, 13:49
Dư luận từng lên tiếng về nhiều buổi lễ kỷ niệm, hay trao tặng, đón nhận các danh hiệu, các hình thức khen thưởng được tổ chức xa xỉ, lãng phí không cần thiết thời gian qua, trong khi đời sống người dân đang gặp nhiều khó khăn. Đó chính là lý do để Nghị định 145/CP qui định về tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận khen thưởng, danh hiệu thi đua vv… ra đời. Thế nhưng, ngay sau khi Bộ VH, TT&DL triển khai để Nghị định có hiệu lực từ 16/12/2013, đã có một số ý kiến tranh luận.

Điều trước tiên phải thấy rằng, với việc thực hiện Nghị định này, tần suất, qui mô và cấp độ các ngày lễ, kỷ niệm, tiếp lễ tân khách nước ngoài… sẽ giảm nhiều. Cả năm, sẽ chỉ còn 8 ngày lễ lớn. Điều này, đồng nghĩa với việc giảm bớt chi tiêu ngân sách vốn là tiền thuế của dân đóng góp, chắc chắn sẽ được người dân đồng tình. Hơn nữa, chúng ta đều thấy, trong nhiều buổi lễ, khách mời thường được tặng 1 túi quà, đa phần là ấm chén, bình bảo ôn, áo phông, sơ mi nam, túi… Thậm chí, trong nhiều cuộc họp, các đại biểu còn phải mang về một “khối” to đùng toàn là các cuốn sách, tài liệu, băng đĩa về du lịch, mà không biết để làm gì, nhất là nhiều khi, nó còn chả liên quan gì đến nội dung cuộc họp. Bởi thời buổi này, những đồ vật như vậy không hiếm, lại càng không đắt, nên đem cho người khác cũng… khó. Có buổi lễ, người dự được phát quà là những hộp rất to và đẹp, in biểu trưng của đơn vị tổ chức, bên trong cũng là một tấm logo rất to của đơn vị, không khác nào ấn quảng cáo vào tay đại biểu một cách sống sượng. Thứ này, đảm bảo 100% là về đến nhà, những người được tặng không dùng.

Với giá trị sử dụng của các món quà hầu như rất ít, nên việc tặng quà thực sự lãng phí, nhất là khi người được tặng không biết dùng vào việc gì. Đó là chưa kể, vào họp mà mỗi đại biểu cứ tay xách nách mang một túi quà to, mang theo biểu trưng của đơn vị tổ chức, trông thật chẳng dễ coi, chả khác gì một hội nghị quảng cáo. Điều đó có thể hiểu, người tặng không chú trọng đến lợi ích cho người được tặng, mà chỉ tìm cách để “giải ngân” và việc tặng quà thực chất là một cái cớ cho một số người “kiếm chác”. Vì thế, quy định “không tặng quà, biểu trưng, biểu tượng (logo), không tổ chức chiêu đãi”, trừ ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh, hy vọng sẽ góp phần để việc tặng quà không cần thiết sẽ giảm tối đa.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Phan Đình Tân, Phó chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ VHTT&DL cho rằng: Qui định này là bắt buộc đối với các đơn vị nhà nước sử dụng ngân sách và các tổ chức kinh tế Nhà nước, như Tập đoàn 90, 91… nhằm loại bớt những rườm rà, đơn giản hóa các buổi lễ, tránh lãng phí, để giảm chi phí cho ngân sách. Còn doanh nghiệp tư nhân sẽ ứng xử theo Luật Doanh nghiệp.

Một điều được nhiều người quan tâm tại Nghị định này, là qui định cụ thể danh sách giới thiệu đại biểu trong các sự kiện lớn sẽ được rút gọn tối đa: chỉ giới thiệu một vị lãnh đạo cao nhất của Trung ương và một người có chức danh cao nhất ở địa phương, nơi tổ chức sự kiện đó. Điều này nhằm khắc phục việc giới thiệu đại biểu dài lê thê trong các sự kiện, nhất là ở các chương trình truyền hình trực tiếp, vốn gây “dị ứng” trong dư luận thời gian qua. 

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị định ra sao, chắc chắn, phụ thuộc rất nhiều vào sự tự giác và gương mẫu của lãnh đạo các đơn vị, khi theo ông Phan Đình Tân, Nghị định này không có Thông tư hướng dẫn và cũng không quy định chế tài xử lý vi phạm. Thiết nghĩ, trong bối cảnh đó, sự hợp tác của các đơn vị báo chí là rất cần thiết để phát hiện và phản ánh các vi phạm, sẽ góp phần ngăn chặn vi phạm, như đã từng làm với hiện tượng sử dụng xe công trong các lễ hội

Thanh Hằng
.
.
.