Không để xảy ra thảm họa ở hạ du miền Trung
Bão vừa tan, áp thấp nhiệt đới mới lại xuất hiện
Chiều tối ngày 11/10, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai đã có công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, TP từ Quảng Ninh đến Phú Yên và các Bộ; Tài nguyên và Môi trường, NN&PTNT, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, Ngoại giao.
Công điện nêu rõ, theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, ngay sau khi bão số 6 đi vào đất liền và suy yếu, trên vùng biển Đông Bắc Biển Đông đã xuất hiện tiếp một áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Đặc biệt, áp thấp này có khả năng tiếp tục mạnh lên.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của ATNĐ trên biển Đông và tình hình mưa lũ đang diễn biến hết sức phức tạp tại khu vực Trung Bộ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT yêu cầu các Bộ, ngành triển khai theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới từ vĩ tuyến 15,5 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; từ 115,0 đến 120,0 độ Kinh Đông.
Áp thấp nhiệt đới mới hình thành có khả năng tiếp tục mạnh lên. |
Trên đất liền, đối với các tỉnh Bắc Bộ, phải kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, đặc biệt là các công trình đang thi công hoặc bị hư hỏng, xuống cấp. Chủ động phương án vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi, đảm bảo an toàn công trình và hạ du. Đối với các tỉnh khu vực Trung Bộ: Tiếp tục triển khai nghiêm túc công điện số 1372/CĐ-TTg ngày 08/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng ngày, trước nguy cơ lũ chồng lũ do mưa lớn từ hoàn lưu bão số 6 đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình liên hồ chứa, không để xảy ra thảm họa cho hạ du.
Trước ảnh hưởng của hoàn lưu do bão số 6 đổ bộ vào trong ngày 11-10, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, khu vực miền Trung tiếp tục hứng chịu những trận mưa lớn, trong đó khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi có lượng mưa từ 400-700mm.
Đặc biệt chú ý vận hành liên hồ chứa, cắt lũ
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, miền Trung đang trải qua đợt lũ lịch sử, nếu phải gánh chịu thêm cơn bão số 6 sẽ như “giọt nước tràn ly”, vì thế cần đặc biệt chú ý công tác vận hành liên hồ, sử dụng nghệ thuật cắt lũ. Ông Cường đề nghị, các tỉnh, TP khu vực miền trung tiếp tục chủ động trong công tác ứng phó với mưa lũ. "Các tỉnh, TP khu vực miền trung chỉ đạo việc tăng cường lực lượng, phương tiện tại các khu vực nguy hiểm. Tuyên truyền, nhắc nhở người dân không đến gần hoặc đi qua, thậm chí phải di dời khỏi những khu vực trên. Thực hiện tốt các công tác vận hành liên hồ chứa theo quy định bảo đảm an toàn công trình và hạ du", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tại cuộc họp. |
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phối hợp với Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các cơ quan liên quan rà soát lại các phương án trong công tác phòng chống thiên tai (nguồn nhân lực, phương tiện...), trên cơ sở đó hoàn thiện kế hoạch sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến bổ sung về nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị...phục vụ hiệu quả hơn cho công tác phòng chống thiên tai.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão, mưa lũ, đặc biêt là các tỉnh, TP khu vực miền Trung.
Tại cuộc họp, chia sẻ về vấn đề quản lý hoạt động tàu vận tải, các tàu vãng lai, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho hay, từ năm 2016 đến thời điểm áp thấp nhiệt đới/bão số 6 đang diễn ra, các tàu vận tải tiếp tục gặp các sự cố và gây nhiều thiệt hại.
Ông Hoài cho biết: Mặc dù đã nhấn mạnh đi, nhấn mạnh lại vấn đề này song gần như cứ có áp thấp nhiệt đới/bão là lại có tàu vận tải gặp sự cố. Việc này không những gây khó khăn cho Ban Chỉ đạo, các cơ quan chức năng trong công tác chỉ đạo ứng cứu mà còn gây sự vất vả đặc biệt là cơ quan thực hiện việc cứu hộ, cứu nạn”.
Theo Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài, ngành giao thông vận tải cần rút kinh nghiệm, có sự chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn, tuyên truyền, nhắc nhở kịp thời đối với các đơn vị chức năng trực thuộc, chủ tàu và các thuyền viên trong hoạt động đối với hệ thống các tàu này. Có chế tải xử lý một cách nghiêm túc đối những đơn vị quản lý, chủ tàu vận tải không tuân thủ vấn đề an toàn trong công tác phóng tránh, ứng phó với thiên tai.