Không để tồn tại khoảng trống trong xử lý hình sự tội phạm sử dụng vũ khí

Thứ Năm, 14/11/2019, 11:58
Sáng nay, 14-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ (VLN) và công cụ hỗ trợ (CCHT).


Chính sách hình sự xử lý vũ khí tương tự vũ khí quân dụng không thay đổi

ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) bày tỏ sự tán thành cao sự cần thiết sửa đổi, bổ sung sửa đổi Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, VLN và CCHT để kịp thời khắc phục khó khăn, bất cập trong việc xử lý hình sự đối với những hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ trái phép vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, đồng thời bảo đảm tính đồng bộ và tương quan trong pháp luật hình sự hiện hành.

Về việc tán thành sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, VLN và CCHT mà không cần sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi bố sung 2017, đại biểu Nguyễn Tạo lý giải: “Theo thông lệ, BLHS quy định xuyên suốt việc xử lý tội tàng trữ, mua bán vũ khí quân dụng và vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng. Còn thế nào là vũ khí có tính năng, tương tự vũ khí quân dụng thì luật chuyên ngành sẽ quy định. Tương tự, đối với hàng cấm thì khái niệm “hàng cấm” cũng do luật chuyên ngành quy định”. Do đó, ông hoàn toàn tán thành với Tờ trình của Chính phủ.

ĐBQH Nguyễn Tạo

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, ĐBQH tỉnh Kiên Giang đề cập các khía cạnh để minh chứng cho việc sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, VLN và CCHT là hợp lý. Trước hết, xét về khía cạnh chính sách pháp luật hình sự thì việc xử lý đối với tội chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép và chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng trong BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 là không thay đổi.

Xét về khía cạnh quản lý vũ khí tương tự vũ khí quân dụng, Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, VLN và CCHT năm 2011 quy định tại khoản 2 Điều 3: Vũ khí quân dụng gồm vũ khí không thuộc danh mục vũ khí do Chính phủ ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng. Do đó những vũ khí tương tự vũ khí quân dụng vẫn bị xử lý hình sự.

Vướng mắc chỉ xuất hiện từ 1-7-2018

Song đến Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, VLN và CCHT năm 2017 thì không quy định vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng là vũ khí quân dụng. Dù luật này và BLHS cùng được Quốc hội thông qua cùng một ngày nhưng hời điểm có hiệu lực lại khác nhau. “Vướng mắc trong việc xử lý hành vi chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép và chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng chỉ xuất hiện khi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, VLN và CCHT có hiệu lực thi hành” – Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, xét khía cạnh an ninh trật tự, an toàn xã hội, với khó khăn, vướng mắc như hiện nay trong xử lý hình sự hành vi chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép và chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng thì việc sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, VLN và CCHT hay BLHS đều có thể giải quyết được. Nhưng quyết định luật nào cần cân nhắc nhiều yếu tố, đặc biệt là vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Ông phân tích, nếu đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015 ở thời điểm hiện hành sẽ tương đối khó khăn, vì những quy định của BLHS liên quan đến quyền và lợi ích của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nên nếu chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS thì sẽ dẫn tới có nhiều ý kiến khác nhau, đề nghị sửa đổi, bổ sung những vấn đề khác của bộ luật mà nhiều vấn đề chúng ta chưa có đánh giá hoàn hảo. “Còn sửa Luật quản lý, sử dụng vũ khí, VLN và CCHT thì vừa không làm thay đổi chính sách quản lý vũ khí, lại không làm thay đổi chính sách xử lý hình sự đối với loại tội này”, đại biểu khẳng định.

Hơn nữa, việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật này theo quy trình rút gọn trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và quyết định thông qua trong 1 kỳ họp sẽ đáp ứng yêu cầu xử lý kịp thời các vụ việc, đối tượng mà các cơ quan tố tụng đang áp dụng các biện pháp tố tụng chờ xử lý. “Xét một cách đầy đủ, toàn diện các khía cạnh về chính trị, pháp lý, sự ổn định kinh tế - xã hội, mức độ khó... thì việc sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, VLN và CCHT như Chính phủ trình là phù hợp trong điều kiện hiện nay”, ĐBQH tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh thêm.

Dự thảo luật đã tháo gỡ được các vướng mắc

Trong khi đó có đại biểu không đồng tình với việc sửa đổi Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, VLN và CCHT vì cho rằng sẽ không thống nhất với những quy định khác của luật. Giơ biển H39 tranh luận, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng, từ trước đến nay vũ khí có tính năng, tác dụng tương như vũ khí quân dụng không nằm trong danh mục vũ khí do Chính phủ ban hành, mà đến khi BLHS có hiệu lực thì mới xuất hiện.

ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu

“Trong thực tiễn chúng tôi làm có những vụ xác định không phải là vũ khí quân dụng, ví dụ AK cưa nòng, AK cưa báng. Kết quả giám định của Cơ quan Kỹ thuật hình sự trả lời đây là vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Chúng tôi hỏi tại sao đây không gọi là vũ khí quân dụng thì họ trả lời vì được sản xuất không đúng tiêu chuẩn, cho nên phải đưa vào loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng”, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An chia sẻ.

Một số đại biểu cho rằng, nếu sửa như dự thảo thì ảnh hưởng các Điều: 18,19, 20,21,73. Tuy nhiên đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho biết chỉ ảnh hưởng đến Điều 18 và Điều 73 và việc thiết kế điều luật hiện nay đã tháo gỡ được. “Quan điểm của chúng tôi sửa Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, VLN và CCHT là phù hợp. Thực tiễn trong BLHS nhiều tội danh chỉ gọi tên tội, còn khái niệm cụ thể phải căn cứ vào luật chuyên ngành, các văn bản dưới luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn”, ông nêu ý kiến.

Bộ trưởng Tô Lâm: Sửa luật để đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật

Thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình thêm về dự án Luật, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chân thành cảm ơn các ý kiến tham gia của các vị ĐBQH, nhiều ý kiến xác đáng, xuất phát từ những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn công tác quản lý, sử dụng vũ khí của lực lượng vũ trang với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, VLN và CCHT.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, theo báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ của các ĐBQH, đa số các ý kiến đều nêu lên sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, VLN và CCHT. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc đến việc sửa đổi Điều 304 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu giải trình thêm về dự án Luật

Về vấn đề này, Cơ quan soạn thảo thấy rằng, theo Pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, VLN và CCHT năm 2011 thì khái niệm vũ khí quân dụng bao gồm những vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Do đó hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 230 BLHS năm 1999 và Điều 304 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, ngày 20-6-2017, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, VLN và CCHT, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018. Tại khoản 2 Điều 3 của luật này đã tách quy định về vũ khí có tính năng có tính năng, tác dụng như vũ khí quân dụng ra khỏi khái niệm vũ khí quân dụng. Như vậy, theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, VLN và CCHT và BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, đã có một khoảng trống pháp luật trong việc xử lý hình sự đối với tội chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển sử dụng trái phép, chiếm đoạt trái phép vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng nên không bị khởi tố, truy tố, xét xử từ ngày 1-7-2018.

Thực tế từ công tác phòng ngừa, đấu tranh, phòng chống tội phạm từ trước đến nay cho thấy đây là loại tội phạm nghiêm trọng. Đa phần người có hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép, chiếm đoạt các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng có thân nhân xấu. Các loại vũ khí có tính năng tương tự như: súng cò quay, súng bút, súng tự chế, súng bắn đạn hoa cải... có tính sát thương cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người.

“Nếu các loại hành vi, tội phạm này không bị khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc phải trả tự do, miễn chấp hành phạt tù cho những người đã bị kết án vì các hành vi phạm tội nêu trên sẽ làm gia tăng tình hình tội phạm sử dụng vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng, ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, không đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Thậm chí, không loại trừ trường hợp các đối tượng phản động sẽ lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép, chiếm đoạt các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng để hoạt động lật đổ chính quyền, khủng bố, gây bạo loạn vũ trang, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự của đất nước.

Vì vậy, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, VLN và CCHT là phù hợp, cần thiết, nhằm kịp thời khắc phục những khó khăn vướng mắc trên, không để tồn tại khoảng trống pháp luật trong xử lý hình sự những hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép, chiếm đoạt các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội...



Quỳnh Vinh - Thiện Minh
.
.
.