Không để tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em tái diễn

Thứ Bảy, 02/12/2017, 00:24
Chia sẻ với những lo lắng của cử tri về vấn đề bạo hành, xâm hại trẻ em, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, đây là vấn đề toàn xã hội cần hết sức quan tâm. Với tư cách là Chủ tịch nước, ông cũng đã có ý kiến yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc, rà soát lại tất cả giải pháp liên quan đến việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em.


Ngày 1-12, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng tổ đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1 TP Hồ Chí Minh đã có buổi tiếp xúc với cử tri các quận 1, 3 và 4 thông tin về kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đã đánh giá cao kết quả kỳ họp Quốc hội vừa qua và phản ánh với Chủ tịch nước cùng tổ đại biểu Quốc hội nhiều vấn đề bức xúc, đang được xã hội quan tâm.

Chia sẻ với những lo lắng của cử tri về vấn đề bạo hành, xâm hại trẻ em, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, đây là vấn đề toàn xã hội cần hết sức quan tâm. Với tư cách là Chủ tịch nước, ông cũng đã có ý kiến yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc, rà soát lại tất cả giải pháp liên quan đến việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các đại biểu trong buổi tiếp xúc cử tri quận 1, quận 3 và quận 4 (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: TTXVN.

Trước mắt phải tập trung điều tra, xử lý nghiêm, đủ sức răn đe đối tượng có hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em. Chủ tịch nước chia sẻ thêm, việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta, vì trẻ em là tương lai của đất nước, dân tộc. Đây là vấn đề mang tính chiến lược lâu dài. Đầu tư cho trẻ em chính là đầu tư cho tương lai đất nước, là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, nhà trường và toàn xã hội. 

Đứng trước tình hình bạo hành, xâm hại với trẻ em liên tiếp xảy ra gần đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đồng tình với cử tri, rằng phải xem xét các khâu trong công tác quản lý nhà nước; chấn chỉnh để nâng cao hiệu lực hiệu quả trong quản lý nhà nước về bảo vệ, giáo dục trẻ em. Tuy lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng đã vào cuộc, các cơ quan chức năng cũng đã khởi tố vụ án để đưa ra truy tố xét xử những người có hành vi bạo hành trẻ em nhưng sẽ còn phải làm tiếp, làm mạnh mẽ hơn nữa, không làm một vài vụ việc sau đó để rơi vào quên lãng. 

“Muốn làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, các văn bản chỉ đạo, nghị quyết, luật đã có rồi, vấn đề là phải làm sao để đưa vào cuộc sống cùng lúc với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm sao cho xã hội thấy trước trách nhiệm chăm sóc, giáo dục trẻ em. Từ đó, góp phần dấy lên phong trào, lên án mạnh mẽ hành vi hành vi xâm hại trẻ em. Phải gióng lên hồi chuông cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa, không để hành vi xâm hại đến trẻ em tái diễn như thời gian qua”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Trước ý kiến lo lắng của cử tri về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, về biến đổi môi trường sống, cạn kiệt tài nguyên, suy thoái, ô nhiễm môi trường…, Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo TP Hồ Chí Minh lắng nghe, tiếp thu để bổ sung vào các chương trình, kế hoạch của thành phố trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, không thể đánh đổi môi trường bằng mọi giá. 

Theo Chủ tịch nước, chúng ta chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về biến đổi khí hậu, vấn đề này tác động đến sự phát triển và cả nền kinh tế rất nhanh. Thậm chí có những tác động không lường trước được như tình trạng xâm nhập mặn cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, Trung ương đã có sự chuẩn bị các giải pháp ứng phó, bằng nhiều hội thảo khoa học, tiếp thu chương trình của các tổ chức quốc tế để có thể thích nghi, ứng phó, giảm thiểu rủi ro của biến đổi khí hậu.

Về một số vướng mắc trong quá trình giải quyết khiếu nại, khiếu kiện tranh chấp đất đai, việc ghi tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ kéo theo nhiều vướng mắc khác phát sinh,… Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết đã có chỉ đạo với Bộ Tài nguyên và Môi trường phải có hướng dẫn thêm về vấn đề này, làm sao để đừng gây khó cho người dân.

Đức Thắng
.
.
.