Không để lọt tội phạm nhưng cũng không để xảy ra oan, sai

Thứ Ba, 04/06/2019, 11:18
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội vào sáng nay (4-6).


Đại biểu đặt vấn đề thời gian qua, số lượng đối tượng vi phạm pháp luật là người có chức, có quyền, có tiền ngày càng tăng. Có vụ việc cử tri cho rằng việc phát hiện, khởi tố không kịp thời dẫn đến trường hợp đối tượng bỏ trốn phải truy nã, gây bất bình trong dư luận. Cử tri lo ngại tính nghiêm minh của pháp luật và đặt vấn đề về giải quyết.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng một số đối tượng bỏ trốn phải truy nã cũng có vấn đề liên quan quy định của pháp luật. Trước đây quy định có các hình thức bắt quả tang, bắt giữ khẩn cấp, bắt theo lệnh... Tuy nhiên, để phòng ngừa việc bắt nhầm, oan sai nên quy định pháp luật được sửa đổi, không cho phép Công an sử dụng một số biện pháp như trước đây.

Cụ thể hiện nay không còn quy định bắt trong trường hợp khẩn cấp nếu chưa chứng minh được hành vi phạm tội, chưa khởi tố. Do đó vừa qua có sơ hở cho đối tượng lợi dụng bỏ trốn.

“Yêu cầu là không để lọt tội phạm nhưng cũng không để xảy ra oan, sai. Đối tượng trước khi gây án đều chuẩn bị để chạy tội, trốn tội nên đối phó tinh vi. Chúng tôi sẽ tổng kết để có giải pháp về pháp luật và nghiệp vụ nhằm giải quyết vấn đề này”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn trước quốc hội vào sáng nay (4-6).

Kiên quyết loại bỏ cán bộ làm ngơ, bảo kê tội phạm

Trả lời đại biểu về trách nhiệm của lực lượng công an quản lý địa bàn, xử lý cán bộ bảo kê cho tội phạm, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, trong trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị về bảo đảm an toàn trật tự xã hội thì lực lượng Công an chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề an ninh, trật tự. Trong lực lượng công an thì người đứng đầu chịu trách nhiệm nêu gương, chịu trách nhiệm xử lý. 

Bộ trưởng cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã xử lý vấn đề như với Giám đốc Công an tỉnh phải hoàn thành nhiệm vụ, nếu không hoàn thành sẽ có biện pháp chấn chỉnh. Đối với người đứng đầu Công an thành phố, huyện, quận, xã, phường cũng như vậy. Hành động bảo kê tội phạm, thì như tôi đã nói, tội phạm có diễn biến phức tạp. Đối với các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng Công an, chúng không từ một thủ đoạn nào, tấn công vô hiệu hóa Công an”. 

Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Tô Lâm cũng nêu rõ, từ các thủ đoạn đơn giản nhất là qua các mối quan hệ, các đối tượng sẽ mua chuộc, dụ dỗ và nếu không được sẽ dùng vũ lực tấn công các lực lượng, trong đó có lực lượng công an, chiến sĩ công an và cả gia đình, vợ con, những người thân cũng chịu áp lực đó.

Đe dọa bằng vũ lực không được thì chúng xuyên tạc, vu khống, nói xấu, hạ uy tín rất nhiều cán bộ, chiến sĩ. Trong đó, có các đồng chí không chịu được áp lực, mất phẩm chất, có những hành động, có quan hệ với nhóm tội phạm, làm ngơ cho tội phạm hoạt động, bảo kê, tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động, hợp tác với các đối tượng vi phạm. 

“Với những hành vi này, chủ trương của Nhà nước, trong đó có Bộ Công an là kiên quyết loại bỏ những cán bộ đó, những người không chịu nổi áp lực từ tội phạm tấn công, lôi kéo, mua chuộc, nhưng cũng bảo vệ những trường hợp bị vu khống, nói xấu. Đồng thời xử lý rất nghiêm những trường hợp bảo kê, từ xử lý hành chính đến hình sự. Cán bộ phòng chống tội phạm mà vi phạm pháp luật thì dứt khoát phải xử lý. Vừa qua đã xử lý rất nghiêm, không có vùng cấm, bất kể cấp nào. Đây là sự xử lý kiên quyết, quyết liệt của lực lượng công an để khôi phục lòng tin của cán bộ, nhân dân vào quản lý nhà nước”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định. 

Vụ bé gái 9 tuổi bị hiếp dâm: Kỷ luật Phó viện trưởng VKSND Chương Mỹ

Trả lời đại biểu về vụ hiếp dâm bé gái 9 tuổi bị hiếp dâm tại Chương Mỹ, Hà Nội cho biết, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, sau khi sự việc xảy ra, cơ quan điều tra đã đề nghị VKS huyện Chương Mỹ phê chuẩn để khởi tố tội dâm ô và phía VKS đã đồng ý.

Ngay lập tức, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về vụ việc. Lãnh đạo VKSND tối cao đã yêu cầu VKSND Hà Nội kiểm tra lại sự việc, đồng thời chỉ đạo VKS huyện Chương Mỹ phê chuẩn quyết định khởi tố theo hướng phải là tội Hiếp dâm trẻ em.

Về trách nhiệm của cán bộ liên quan trong việc xác định và phê chuẩn không đúng tội danh, Viện trưởng VKSND tối cao cho biết đã chỉ đạo VKSND Hà Nội kỷ luật Phó viện trưởng VKS huyện Chương Mỹ và kiểm sát viên thụ lý vụ án.

Về công tác điều tra, lãnh đạo VKSND tối cao cho hay vụ án ban đầu thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra của địa phương, nhưng sau đó cơ quan điều tra Bộ Công an đã trực tiếp thụ lý. “Bộ trưởng Công an có thẩm quyền phân công thụ lý để đảm bảo tính công bằng và hợp lý”, Viện trưởng  Lê Minh Trí cho biết.

Bất kỳ ai vi phạm pháp luật đều bị xử lý

Cũng liên quan đến vấn đề cán bộ vi phạm pháp luật, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đặt câu hỏi: Vì sao thời gian qua số lượng tướng lĩnh ngành công an vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý, thậm chí áp dụng chế tài hình sự nhiều như vậy? Ai là người chịu trách nhiệm trong việc cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm những người này?

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn cho rằng những vụ việc này đã được xử lý nghiêm. Không có khoảng trống hay vùng cấm nào và bất kỳ ai vi phạm pháp luật đều bị xử lý.

“Việc đề bạt, bổ nhiệm thì theo quy trình, quy định. Có người lúc được bổ nhiệm thì tốt nhưng sau đó có vi phạm thì xử lý”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen gắn rất chặt tội phạm kinh tế, lợi dụng hoạt động kinh tế để phạm tội, đồng thời sử dụng các đối tượng hình sự để phục vụ hoạt động kinh tế. Tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen tồn tại dưới nhiều hình thức như khai thác trái phép khoáng sản, cho vay lãi nặng

PV
.
.
.