Khơi dậy truyền thống năng động, sáng tạo trong nhân dân để phát triển TP Hồ Chí Minh

Thứ Bảy, 28/07/2018, 06:21
Để khơi dậy và phát huy truyền thống này, ngày 26-7, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo khoa học “Khơi dậy và phát huy truyền thống năng động, sáng tạo để phát triển TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo”.


Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển thành phố từ sau giải phóng đến nay, một loạt các chủ trương, quyết sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước đều xuất phát từ thực tiễn của TP Hồ Chí Minh thông qua việc cho thành phố áp dụng thí điểm hoặc thành phố tự vận dụng cơ chế một cách sáng tạo để đáp ứng nhu cầu phát triển. Mỗi khi thực tiễn gặp khó khăn cũng là lúc TP Hồ Chí Minh xuất hiện các sáng kiến mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH.

Để khơi dậy và phát huy truyền thống này, ngày 26-7, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo khoa học “Khơi dậy và phát huy truyền thống năng động, sáng tạo để phát triển TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo”.

Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh khẳng định, việc khơi dậy, phát huy nguồn lực con người gắn với năng lực sáng tạo có ý nghĩa quan trọng. Với truyền thống sáng tạo suốt những năm qua, tất cả những khó khăn của TP Hồ Chí Minh đều có thể được giải quyết, nếu thực sự phát huy được sự sáng tạo của người dân. Gặp khó khăn cũng là lúc tìm ra giải pháp sáng tạo, phát huy sáng tạo là yêu cầu từ thực tiễn, là để thành phố phát triển.

Theo Bí thư Thành ủy, tài nguyên lớn nhất là 10 triệu dân. Do đó phải tạo được sự lôi cuốn, lan tỏa phong trào đổi mới, sáng tạo đến tất cả người lao động, chính quyền, cấp ủy các cấp. Để đạt được mục tiêu này, mỗi đảng viên là một người sáng tạo hoặc ủng hộ, hỗ trợ sáng tạo; mỗi chi bộ là một tổ chức sáng tạo, ủng hộ sáng tạo. Cùng lúc, phải tạo môi trường, cơ chế chính sách để thực sự khuyến khích sáng tạo cũng như có cơ chế ghi nhận, tuyên dương người sáng tạo cả về vật chất lẫn tinh thần.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, trách nhiệm của các cấp là phải làm bà đỡ cho đổi mới, sáng tạo và khuyến khích, bảo vệ người sáng tạo. Đặc biệt, để phong trào sáng tạo lan rộng và đạt hiệu quả, cần phải tạo bầu không khí để mỗi công chức, mỗi người dân được quyền chất vấn và yêu cầu thay đổi. Cùng lúc, văn hóa phản biện trong nhân dân, trong mỗi cơ quan, đơn vị cần được nâng lên theo hướng “chấp nhận thất bại để trưởng thành”.

Đặt hàng các đại biểu góp ý cho vấn đề làm sao để khơi dậy và phát huy truyền thống năng động, sáng tạo giúp TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh và bền vững, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, hội thảo khoa học này là sự mở đầu cho một chuỗi các hoạt động của Đảng bộ TP Hồ Chí Minh từ nay đến hết nhiệm kỳ. Qua đó sẽ khơi dậy ý thức, phát huy tài nguyên quan trọng nhất là con người sáng tạo, phát huy năng lực sáng tạo trong thực tiễn; thành phố chấp nhận thách thức để sáng tạo đi lên.

Đặt vấn đề về rào cản với truyền thống năng động, sáng tạo của thành phố, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo đã chỉ ra 2 khó khăn lớn nhất trong việc thúc đẩy sáng tạo là ràng buộc về cơ chế, thể chế và năng lực quản lý điều hành. Do đó, muốn đẩy mạnh sáng tạo, thành phố phải gỡ vướng về cơ chế.

Theo bà Thảo, đội ngũ cán bộ của thành phố sẵn sàng đổi mới nếu lãnh đạo dám đứng ra “đỡ” cho các hoạt động sáng tạo, đổi mới. Cụ thể, người lãnh đạo phải là “bà đỡ” của sự sáng tạo, đứng đằng sau sự đột phá, đỡ cho cán bộ của mình.

Cùng quan điểm này, TS Lê Hồng Liêm, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhìn nhận, người “đỡ” cho phong trào sáng tạo phải là những người lãnh đạo có tầm tri thức, có lòng bao dung và có trách nhiệm để phát huy tính năng động sáng tạo. Khi đó, những nhân tố tích cực, sáng tạo mới được bảo vệ, chia sẻ những khó khăn, trở ngại, thậm chí cả những lúc bị thất bại nhất thời.

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phạm Chánh Trực khẳng định, truyền thống năng động sáng tạo trở thành thuộc tính của TP Hồ Chí Minh. Ngay từ giai đoạn sau chiến tranh, đất nước còn khó khăn chồng chất đến suốt hành trình đổi mới sau này, TP Hồ Chí Minh đã sáng tạo không ngừng và đã xuất hiện hàng loạt mô hình mới.

Trong điều kiện hiện nay, đồng chí Phạm Chánh Trực cho rằng, xây dựng động lực hành động, động lực vì nước vì dân chính là giải pháp duy trì và phát huy ngọn lửa năng động sáng tạo. Với cán bộ, đảng viên, ngoài động lực lý tưởng, thì môi trường phục vụ dân chủ, minh bạch, thân thiện và đời sống vật chất thích đáng là động lực để khơi nguồn cho sự sáng tạo.

Theo một số đại biểu, cơ chế đặc thù của Quốc hội đã cho phép TP Hồ Chí Minh có điều kiện chăm lo tốt hơn đối với đội ngũ cán bộ, viên chức, công chức và đời sống của người dân cũng như hình thành các cơ chế để khơi dậy và phát huy truyền thống năng động, sáng tạo.

Nhưng trước mắt, thành phố cần gỡ bỏ được những rào cản về cơ chế, chính sách và cả về con người để tập trung các nguồn lực sáng tạo, sự năng động trong những lĩnh vực, vấn đề cụ thể. Từ đó tạo tiền đề để truyền thống năng động, sáng tạo được lan tỏa rộng.

Bảo Sơn
.
.
.