Khó truy xuất nguồn gốc hàng hoá tại các chợ đầu mối
- Dùng tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa để phân biệt hàng giả
- Sử dụng mã hình QR để truy xuất nguồn gốc hàng hóa1
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, hiện trên địa bàn có 2 chợ đầu mối nông sản được hình thành từ năm 2002, 2003, đảm bảo khoảng 14% nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm toàn TP.
Trong đó, chợ đầu mối phía Nam (Đền Lừ, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) có khoảng 500 hộ kinh doanh với khoảng 200 - 400 tấn hàng hóa nông sản, thực phẩm luân chuyển qua chợ mỗi ngày.
Chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) với khoảng 1.000 hộ kinh doanh, với nhiều loại nông sản ở địa phương quanh khu vực này cung cấp cho thị trường. Ngoài ra còn một số chợ mang tính chất đầu mối như chợ hoa Quảng An, chợ Long Biên, chợ cá làng Sở Thượng - Yên Sở, chợ gia cầm Hà Vĩ, cũng đang giao dịch một lượng hàng hóa lớn mỗi ngày.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, các chợ đầu mối đều có nội quy chợ, trong đó quy định về hàng hóa, dịch vụ kinh doanh, tuyên truyền về an toàn thực phẩm, quy định về xử lý vi phạm tại chợ…
Nhưng hiện 2 chợ đều đã xây dựng từ lâu, cơ sở hạ tầng đã xuống cấp. Công tác quản lý an toàn thực phẩm đã được quan tâm bằng các đợt tập huấn, tuyên truyền, nhưng doanh nghiệp quản lý, khai thác chợ đầu mối còn hạn chế trong việc giám sát việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của các hộ kinh doanh tại chợ, đặc biệt là việc kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm kinh doanh.
Phần lớn hàng hóa của chợ chưa thể truy xuất nguồn gốc khi cần thiết. Tại chợ đầu mối Minh Khai, mặc dù mới được phê duyệt phương án bố trí sắp xếp ngành hàng 1 phần với 573 điểm kinh doanh nhưng thực tế, số lượng các hộ đang kinh doanh tại chợ đầu mối Minh Khai lớn hơn số điểm kinh doanh theo phương án được phê duyệt, thường xuyên xảy ra tình trạng các hộ kinh doanh tràn ra lối đi trong chợ và khu vực xung quanh chợ gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, giao thông đi lại.
Ông Hải cũng thông tin, cùng với duy trì hai chợ đầu mối hiện tại, theo quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn TP đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội quy hoạch định hướng xây dựng mới 5 chợ tại các khu vực: Gia Lâm, xã Thạch Thán (huyện Quốc Oai), xã Kim Hoa (huyện Mê Linh), xã Phúc Tiến (huyện Phú Xuyên), xã Cam Thượng (huyện Ba Vì). Đây là cơ sở để các nhà đầu tư đề xuất dự án đầu tư. Mặc dù vậy, việc thu hút các nhà đầu tư xây dựng chợ đầu mối vẫn gặp nhiều khó khăn do khả năng thu lãi thấp.
Các chợ đầu mối đều trong tình trạng quá tải và xuống cấp. |
Tại buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai cho rằng, TP cần chú trọng phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm và tạo dựng thương hiệu cho hàng hóa nông sản.
Đồng thời, nên rà soát lại các vị trí được quy hoạch xây dựng chợ đầu mối để đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch ngành, rõ tiêu chí chợ và phù hợp thực tế hiện nay.…
“Sở Công Thương phải chủ trì phối hợp với các ngành chức năng rà soát quy hoạch theo hướng rõ tiêu chí, phân loại, phân hạng chợ đầu mối. Nếu có sự chưa phù hợp thống nhất giữa Bộ Công Thương và UBND TP Hà Nội thì phải tham mưu để giải quyết”, bà Mai chỉ rõ trách nhiệm.
Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cũng đề nghị Sở Quy hoạch Kiến trúc nghiên cứu xem xét tiêu chuẩn thiết kế chợ hiện nay để đề xuất điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với đô thị lớn.
Đề xuất quy hoạch chợ đầu mối tại huyện Đan Phượng theo quy hoạch vùng trọng điểm; phương án xây dựng chợ đầu mối tại huyện Mê Linh. Cùng với đó, Đoàn giám sát cũng đề nghị, UBND quận Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm (nơi có chợ đầu mối) cần tăng cường chỉ đạo quản lý thực hiện quy hoạch chợ đầu mối, ổn định an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, tuyên truyền phổ biến cho các hộ kinh doanh trong chợ về quy định mới của pháp luật có liên quan đến kinh doanh trong chợ, các chế tài xử lý nếu vi phạm.
Ban quản lý chợ tăng cường kiểm tra, giám sát ATTP của các hộ kinh doanh trong chợ; đầu tư phát triển các khu chức năng theo đúng tiêu chí của chợ đầu mối…