Khi nghệ thuật là nghề... kiếm cơm

Thứ Tư, 14/09/2005, 06:38
Thỉnh thoảng, công chúng nghệ thuật lại thoáng một chút ngơ ngác khi nghe tin nghệ sĩ này, ca sĩ kia vừa làm những việc thật khó tin. Lâu lắm rồi, đang là một diễn viên điện ảnh nhiều thành công, bung bét chuyện diễn viên Đơn Dương trong một chuyến xuất ngoại đã tham gia đóng phim chống Cộng...

Cũng lâu rồi, nhiều người hâm mộ Bằng Kiều, Thu Phương hơi sững sờ trước việc hai ca sĩ này đã hát những bài chống quê hương dưới lá cờ ba sọc ở  sân khấu hải ngoại. Và bây giờ đến lượt Ngọc Huyền, một nghệ sĩ cải lương đang có giá, từng gặt hái 3 Huy chương Vàng trong các kỳ hội diễn, được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú khi mới vừa tròn 30 tuổi đời đã xuất hiện trong đêm diễn “Hành trình 30 năm”  vàng chóe cờ ba que được tổ chức ở Trung tâm châu Á (Mỹ) với bài “Quê hương bỏ lại” sặc mùi chống Cộng, chống đất nước một cách cố ý.

Ngọc Huyền rồi cũng sẽ như những người trước mình, từng chiều theo một ông bầu nào đó cất lời ca tiếng hát bội bạc với đất nước, với dân tộc để rồi rơi vào sự khinh rẻ và sự quên lãng của công chúng. Họ có thể được định cư, có tiền, có nhà, thậm chí là giàu có ở một nơi nào đó nhưng họ vĩnh viễn mất đi sự nghiệp nghệ thuật chân chính, mất đi sự yêu mến của hàng triệu người, mất đi niềm tự hào là người Việt Nam có Tổ quốc. Nhưng mà thôi. Rau nào chẳng có sâu. Làm sao có thể đòi hỏi tất cả trong số hàng ngàn, hàng vạn nghệ sĩ, nhà văn, nhà trí thức đều là người tử tế, đáng quí trọng được. Điều đáng suy nghĩ là cần tìm xem động cơ gì đã đẩy họ tới những hành động bán rẻ mình, có thể nói là rẻ như bèo đến thế?

Vì nhẹ dạ, bị lừa chăng? Có người đã nói về mình như thế. Họ nói rằng mình “đâu có ngờ” một vai diễn, một đôi lời trong phòng thu, trên sân khấu lại bị “lợi dụng” đến mức ấy và từ đó kêu gọi sự thông cảm từ phía công chúng. Nếu thật thế thì đi một lẽ, công chúng có thể thông cảm một chừng mực nào đó như trường hợp Ngọc Huyền vẫn trở về nước và người hâm mộ cô vẫn sẵn lòng đến nghe hát. Nhưng rồi tất cả những lý do để biện minh cho việc “về nước chậm”, “có một vài lời nói lỡ” đều khó có sức thuyết phục với những người chăm chú theo dõi từng bước đi của nghệ sĩ mình từng yêu thương.

Vì sức cám dỗ của đồng tiền chăng? Quả là có điều này vì để đầu tư cho một lá bài chống Cộng mới, người ta không dè sẻn tiền. Chỉ riêng việc thuê  nơi diễn là Trung tâm nghệ thuật quốc gia cho chương trình có Ngọc Huyền biểu diễn vừa qua để đối lập với lễ kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam 30/4/1975 trong nước, những người tổ chức đã bỏ ra cả nửa triệu đôla Mỹ. Trong tình trạng bế tắc, nhàm chán của âm nhạc, phim ảnh, báo chí chống Cộng hải ngoại hiện nay, có một khuôn mặt mới là có hy vọng lời lãi. Họ sẽ được cưng chiều một thời gian, đó là thời gian vàng để ăn tiêu dè xẻn, chuẩn bị cho một việc làm, một cửa hàng, một công ty nho nhỏ nào đó cho cuộc sống sau này trước khi bị vứt bỏ không thương tiếc. Nói công bằng, hy sinh danh dự của mình, họ đã tính đến một cuộc sống vật chất không tồi sau này. Nhưng chẳng lẽ chỉ có vậy?

Cái chính là sự tầm thường trong lý tưởng nghệ thuật ở những người chỉ coi nghệ thuật là nghề kiếm cơm. Đã là nghệ sĩ, dù là nghệ sĩ biểu diễn thì giá trị nhân văn, quan niệm về cuộc sống, về ý nghĩa đời người trong lời ca, trong kịch bản không thể không thấm vào tâm hồn họ. Cái gì đã khiến họ khóc trước một bài ca cách mạng, đồng thời lại có thể khóc trước những ca từ chống lại đất nước mình? Chỉ có thể từ sự tầm thường của nhân cách. Nói đến đây, chợt nhớ tới cuộc cãi vã của hai nhà văn, nhà thơ nọ trên một tờ báo nước ngoài.

Trong sự cay cú rất nhỏ nhen, hai người này đua nhau chứng minh mình chống Cộng hơn người kia. Thật đáng ngạc nhiên là cả hai người này luôn được tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ có thể làm nghề và họ đã được làm nghề, được nói về nghề một cách tự do hình như không ai bằng. Sau cuộc cãi vã nọ, thấy hơi kinh kinh mỗi khi phải đọc hoặc xem tác phẩm của họ vì đó thực chất chỉ là sản phẩm của sự dối trá, xu thời.

Đã xa lắm rồi cái thời người ta lo lắng trước một vài lời bậy bạ. Dân trí bây giờ đã cao hơn trước rất nhiều để phân biệt đúng sai và tầm ảnh hưởng của những điều đó. Nhưng chẳng lẽ được tiếng làm nghề dạy thiên hạ mà không nghĩ gì ư? Chẳng lẽ mấy ông hội hè gì gì ấy cứ lẳng lặng ngồi im ăn... lương ư?

Vũ Duy Thông
.
.
.