Khi dự luật nhân quyền Việt Nam bị chính Hạ nghị sĩ Mỹ phản đối

Thứ Tư, 19/09/2012, 19:39
“Nếu họ (Hạ viện Mỹ) thật lòng quan tâm tới vấn đề nhân quyền ở Việt Nam thì hãy giúp Việt Nam làm sạch hàng chục triệu lít chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã rải xuống lãnh thổ Việt Nam từ năm 1961 đến 1971 bởi việc để lại khối hóa chất độc hại này ở Việt Nam là một sự vi phạm nghiêm trọng quyền con người” - Hạ nghị sĩ Mỹ Eni Faleomavaega nói về dự luật nhân quyền Việt Nam mà Hạ viện Mỹ vừa thông qua.

Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega, thành viên cấp cao của Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương của Hạ viện Mỹ, vừa ra thông cáo báo chí cho rằng, cái gọi là dự luật nhân quyền Việt Nam năm 2011 mang mã số H.R.1410, mà Hạ viện Mỹ vội vã biểu quyết thông qua tối 11/9 vừa qua, là “một bước đi lạc hướng”.

Ông phân tích: việc dự luật trên lại do Tiểu ban châu Phi, Y tế toàn cầu và Quyền con người đưa ra chứ không phải Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương, nơi chịu trách nhiệm mọi phán quyết về chính sách của Mỹ liên quan tới Việt Nam đưa ra. Đó là sự phi lý! Theo ông, bằng cách làm không theo con đường chính danh này, Tiểu ban về châu Phi đã không thu thập thêm những thông tin chính xác trước khi đưa một dự luật méo mó như vậy. Dự luật H.R.1410 dựa trên những thông tin lạc hậu không phản ánh được sự tiến bộ về nhân quyền ở Việt Nam. Dự luật H.R.1410 cũng thiển cận trong cách đặt vấn đề và đi ngược lại các nỗ lực của các chính quyền Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama nhằm tăng cường quan hệ với Việt Nam.

Hạ nghị sỹ Faleomavaega khẳng định: “Dự luật này sẽ không thể trở thành luật vì H.R.1410 thất bại ngay từ mục tiêu của nó”. Ông cũng cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ lo ngại dự luật H.R.1410 có thể tác động tới mối quan hệ an ninh của Mỹ với Việt Nam, làm giảm các cơ hội đối thoại về nhân quyền giữa hai nước và cũng không phục vụ tốt nhất cho lợi ích của Mỹ cũng như cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Về cách tiếp cận trong vấn đề nhân quyền, Hạ nghị sỹ Faleomavaega nói: “Tôi không nhất trí với cách nhìn nhận về nhân quyền của một số nghị sỹ Mỹ, những người có thiên hướng áp đặt tiêu chí mà họ cho rằng chuẩn mực trong vấn đề này. Mỗi nước đều có giá trị và nguyên tắc riêng trong thực thi nhân quyền. Tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam đã làm những gì tốt nhất. Tôi luôn phản đối việc các Nghị sỹ Mỹ chỉ trích tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Tôi cho rằng thực tế nhân quyền tại Việt Nam chưa được Hạ viện phản ánh chính xác”. Do vậy, Faleomavaega cho rằng Dự luật nhân quyền Việt Nam đi ngược lại những nỗ lực tăng cường quan hệ với Việt Nam của chính quyền Mỹ trong những năm qua.

Một dự luật được Hạ viện Mỹ thông qua mà nay ngay chính thành viên của Hạ viện đó nêu rõ chính kiến phản đối với đầy đủ bằng chứng, lý lẽ khoa học, cho thấy tính áp đặt của một nhóm người trong Hạ viện không thể che lấp được sự thật khách quan. Chính vì vậy, tới đây khi dự luật được Hạ viện trình lên thì đây là vấn đề cần được Thượng viện Mỹ xem xét đầy đủ, đúng sự thật. Thực tế, lâu nay cũng không có dự luật nhân quyền Việt Nam nào được thông qua tại Thượng viện dù đã được Hạ viện phê chuẩn, nhưng nó gây sự phản ứng mạnh trong dư luận và ngay những hạ nghị sĩ. Điều đó cho thấy, không như Hạ viện, chúng ta có niềm tin về cách làm việc khách quan ở cấp Thượng viện Mỹ.

Về vấn đề này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nói: “Dự luật H.R.1410 và Nghị quyết H.Res.484 đã dựa trên những thông tin sai lệch, thiếu khách quan về tình hình thực thi quyền con người tại Việt Nam. Việc thông qua dự luật và nghị quyết nói trên là sai trái, không phù hợp với xu hướng phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ”

Đăng Minh
.
.
.