Khi cử tri giám sát nghị trường

Thứ Hai, 20/05/2013, 07:53
Kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Nội dung lấy phiếu tín nhiệm đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết của Quốc hội và các hướng dẫn thi hành, nhưng điều quan trọng nhất là làm thế nào để việc lấy phiếu đạt được mục đích, ý nghĩa đặt ra, cử tri mong muốn đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần, trách nhiệm cao trước nhân dân, công tâm, độc lập trong chính kiến để có kết quả tín nhiệm một cách chính xác nhất.

Hôm nay (20/5), khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.

Có hai điểm mới được cử tri kỳ vọng ở kỳ họp lần này.

Thứ nhất, đó là tăng thời lượng phát thanh, truyền hình trực tiếp. Sự quan tâm của cử tri tới các phiên họp của Quốc hội, UBTV Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội được truyền hình, phát thanh trực tiếp, chủ đề liên quan các vấn đề nóng trong đời sống xã hội như y tế, giáo dục, giao thông vận tải, chống tham nhũng, giải quyết khiếu kiện, khiếu nại... Tại các phiên Quốc hội chất vấn, trả lời chất vấn, từ việc theo dõi trực tiếp qua truyền hình, đài phát thanh, nhiều cử tri bày tỏ chính kiến cũng như gửi câu hỏi kiến nghị tới Quốc hội, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ thông qua đường bưu điện, hộp thư điện tử, một số trường hợp nhắn tin, gọi điện trực tiếp. Thực chất, đó là kênh giám sát trực tiếp của cử tri từ hoạt động nghị trường của cơ quan quyền lực do nhân dân bầu.

Hiện diện ở những phiên chất vấn, thảo luận, giải trình trực tiếp như vậy, các thành viên do Quốc hội bầu, phê chuẩn (thành viên Chính phủ, thành viên UBTV Quốc hội, các chức danh khác) thể hiện được hai khả năng trước toàn dân: Thuyết trình và năng lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Trước các câu hỏi, chất vấn, khả năng trả lời, thuyết trình là cách “ghi điểm” tín nhiệm trong đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. Điều này lý giải vì sao người trả lời hay, thuyết phục, rõ ràng cũng như những vị đại biểu Quốc hội thường xuất hiện với các chất vấn nóng, gay cấn lại tạo được dấu ấn sâu đậm ở cử tri. Tuy nhiên, yếu tố thứ hai mang tính chất nội dung, đó là việc thực hiện lời hứa trước Quốc hội và cử tri ra sao. Bởi lý do này, các kỳ họp gần đây, Quốc hội đều yêu cầu các vị Bộ trưởng, trưởng ngành phải có báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết chất vấn, trả lời chất vấn, những vấn đề đã làm được cũng như còn “nợ” kỳ sau. Tính chất đối thoại trực diện này hấp dẫn bởi nhiều tình tiết người trả lời không thể chuẩn bị trước.

Kỳ này, Quốc hội dành 9 ngày cho các phiên truyền hình, phát thanh trực tiếp, chiếm khoảng 34% thời gian kỳ họp. Đáng chú ý, ngoài các phiên truyền hình, phát thanh trực tiếp mang tính truyền thống như thảo luận tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách Nhà nước; chất vấn và trả lời chất vấn thì Quốc hội cũng truyền hình, phát thanh trực tiếp những phiên thảo luận các dự luật quan trọng để cử tri cả nước tiện theo dõi, như thảo luận dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi, dự án Luật Đất đai sửa đổi, báo cáo về việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... 

Kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Đây là nội dung đã được ghi trong Hiến pháp 1992, tuy nhiên sau hơn 20 năm với nhiều cố gắng, lần đầu tiên vấn đề này được hiện thực hóa tại nghị trường Quốc hội. Nội dung lấy phiếu tín nhiệm đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết của Quốc hội và các hướng dẫn thi hành, nhưng điều quan trọng nhất là làm thế nào để việc lấy phiếu đạt được mục đích, ý nghĩa đặt ra, cử tri mong muốn đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần, trách nhiệm cao trước nhân dân, công tâm, độc lập trong chính kiến để có kết quả tín nhiệm một cách chính xác nhất

Đăng Trường
.
.
.