Khi bàn tay nhà quản lý giáo dục “nhúng chàm”

Thứ Sáu, 01/02/2013, 23:57
Dư luận trong và ngoài ngành Giáo dục và Đào tạo đang hết sức phẫn nộ trước thông tin 212 thầy cô giáo, nhân viên giáo dục ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái bỗng dưng bị mất biên chế, thay đổi chuyên môn, chuyển địa bàn công tác một cách sai nguyên tắc.

Thật tiếc, đó là sự thật và là sai phạm của một số người có trách nhiệm trong quản lý giáo dục ở Yên Bình. Họ đã lợi dụng quyết định 13 về quyền tự chủ, phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức của UBND tỉnh Yên Bái tuyển dụng vượt quy mô tỉnh giao 212 giáo viên, nhân viên từ mầm non đến THCS; tuyển sai quy định, thừa cơ cấu ban chuyên môn với THCS, hợp đồng vượt quy mô trường lớp như Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Cường chỉ ra. Đã vậy, những nhà quản lý hữu trách không những không sửa chữa sai lầm khuyết điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương IV, mà còn tìm cách cắt biên chế, đổi chuyên môn, bố trí sai địa bàn cho những giáo viên, nhân viên giáo dục vốn không có lỗi.

Nhưng sai phạm gây dư luận rất xấu ấy không chỉ có ở Yên Bình. Trước đó, người dân chưa thể quên sự kiện “sốc” không kém xảy ra trong ngành Giáo dục tỉnh Phú Thọ. Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục-đào tạo tỉnh này trước thời điểm nghỉ hưu đã ký liền 396 quyết định luân chuyển cán bộ công chức, giáo viên từ miền núi, vùng sâu vùng xa về thành thị sai quy định. Để rồi, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Thọ đã kịp thời chỉ ra sai phạm với những mức kỷ luật kèm theo. Hậu quả trực tiếp của những việc làm sai trái tại hai địa phương trên, nhẹ là làm xáo chộn cuộc sống, nặng hơn làm mất đi nhuệ khí yêu ngành yêu nghề của hàng trăm giáo viên, nhân viên giáo dục vốn tâm huyết với sự nghiệp trồng người ở vùng sâu vùng xa. Nhưng có lẽ, hậu quả không dừng ở đó. Những sai phạm như thế đã làm xói mòn vào lòng tin của nhân dân đối với những nhà quản lý giáo dục, cho dù đó mới chỉ được phát hiện ở hai địa phương. Và qua đó, nó ảnh hưởng không nhỏ đối với chất lượng công tác dạy và học, nếu cứ tuyển dụng, điều động, phân công giáo viên, nhân viên giáo dục theo cách phi nguyên tắc ấy.

Ở góc độ quản lý, người ta thấy có gì đó không ổn phía sau cách vận hành những chính sách ưu tiên, trao quyền tự chủ, phân cấp quản lý cho giáo dục miền núi. Để hiểu góc khuất đó, hãy nghe lời giãi bày trong nước mắt của cô Triệu Thị Hương: Bao năm lên vùng cao dạy hợp đồng, xa bố thương binh ốm nặng, con nhỏ, đời sống kham khổ để đựợc vào biên chế với lời hứa hẹn của lãnh đạo, nay lại bắt tôi ký lại hợp đồng; thay cho việc cán bộ sai phải chịu trách nhiệm, sao lại tước đi biên chế của chúng tôi để sửa sai…

Từ những sự việc trên, dễ nhận thấy một kẽ hở pháp luật lớn bởi chúng ta trao quyền tự chủ, phân cấp quản lý cho những người có trách nhiệm trong ngành Giáo dục miền núi nhưng không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, công khai minh bạch trong từng khâu của quá trình quản lý giáo dục nơi đây. Vì thế, việc lợi dụng ưu tiên đó vì những động cơ khác là điều khó tránh khỏi. Đến đây, ai dám bảo đảm ngành Giáo dục ở những địa bàn miền núi khác cùng được hưởng chính sách này không bị lợi dụng?

Điều đáng thất vọng, ở một lĩnh vực mà Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, người dân đặt trọn niềm tin cho sự nghiệp đào tạo con người để chấn hưng đất nước; ở một địa bàn mà mọi sự ưu tiên đều đã và đang hướng tới, vì một miền núi tiến kịp miền xuôi mà chìa khoá đang nằm trong tay Giáo dục - đào tạo, lại xảy ra những việc nêu trên. Nỗi bức xúc của người dân vơi đi phần nào khi thấy thái độ nghiêm túc của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trong cuộc đối thoại và ngay sau đó đưa ra phương án giải quyết đảm bảo quyền lợi chính đáng cho 212 giáo viên, nhân viên giáo dục Yên Bình. Người dân không chỉ tin tưởng những sai phạm trong ngành Giáo dục Yên Bình được đưa ra ánh sáng, họ còn kỳ vọng những sai phạm tương tự trong quản lý giáo dục cả nước phải được gọt rửa, cho bộ “máy cái” thật sự trong sạch theo tinh thần Nghị quyết Trung ương IV vừa qua

Thanh Phong
.
.
.