Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2):

Khi Đặng Thùy Trâm trở thành danh từ chung

Thứ Sáu, 24/02/2006, 09:00
Bác sĩ - chiến sĩ Đặng Thùy Trâm đã trở thành biểu tượng của một và không chỉ một thế hệ những lương y Việt Nam, đã biết vượt lên trên mọi cảnh ngộ riêng tư để thực hiện trọn vẹn không chỉ nghĩa vụ nghề nghiệp mà cả nghĩa vụ công dân của mình.

Một tin vui đến với không chỉ riêng ngành Y: Ngay bên thềm Ngày kỷ niệm Thầy thuốc Việt Nam (27/2) năm nay, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký Quyết định số 247/2006/QĐ/CTN về việc truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Chị Đặng Thùy Trâm từng phụ trách Bệnh xá huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) và tác giả của tập hồi ký được công bố và gây xúc động dư luận trong, ngoài nước trong thời gian gần đây bởi tính chân thực và những suy tư nhân văn, ái quốc.

Hình ảnh Đặng Thùy Trâm hiện lên trong những trang viết mộc mạc và chân thành của tập hồi ký là hình ảnh của một  bác sĩ - chiến sĩ vì nước quên thân, vì dân phục vụ trong khói lửa và những thử thách khốc liệt của chiến tranh, như rất nhiều những đồng nghiệp của chị, vô danh hoặc hữu danh, đã hy sinh hoặc hiện vẫn còn sống và tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp lương y như từ mẫu.

Chị Trâm cũng có những cảm xúc đời thường và những nỗi niềm không dễ phân bua như nhiều người cùng thời. Thế nhưng, vượt lên trên tất cả, chị đã cùng đồng chí, đồng đội trong mọi tình huống dù gay go, phức tạp đến mấy vẫn giữ vững được phẩm chất lương y và phẩm chất chiến sĩ cách mạng, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Và sự hy sinh của chị cũng thực cao đẹp như tất cả những sự hy sinh của các chiến sĩ chúng ta trong cuộc chiến bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, bảo vệ phẩm giá của dân tộc.

Những dòng nhật ký may mắn còn được lưu giữ lại của bác sĩ - chiến sĩ Đặng Thùy Trâm đã thực sự trở thành niềm xúc động to lớn đối với ngày hôm nay. Bức chân dung tinh thần hiện lên trong những dòng viết tưởng chỉ để riêng cho mình của chị đã vô hình trung giúp cho mọi người thấy rõ hơn giá trị cao quý của những chiến công mà đội ngũ trùng trùng điệp những bác sĩ - chiến sĩ nói riêng và chiến sĩ Việt Nam nói chung đã lập nên trong những cam go và quyết liệt của cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước.

Và cũng vô hình trung, trên cơ sở những gì còn lưu lại được tới hôm nay, bác sĩ - chiến sĩ Đặng Thùy Trâm đã trở thành biểu tượng của một và không chỉ một thế hệ những lương y Việt Nam, đã biết vượt lên trên mọi cảnh ngộ riêng tư để thực hiện trọn vẹn không chỉ nghĩa vụ nghề nghiệp mà cả nghĩa vụ công dân của mình. Bác sĩ Đặng Thùy Trâm hiện lên trong những suy tư sâu kín nhất của chị như một người chiến sĩ mẫu mực, yêu nước thương người, chí công vô tư, giống như rất nhiều đồng đội hữu danh và vô danh của chị.

Và việc chị vừa được Nhà nước ta truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND là vinh dự không chỉ riêng cho gia đình chị mà cho cả ngành Y tế, cho cả những thế hệ bác sĩ cách mạng đã không tiếc sức lực, tâm huyết và máu xương mình vì Tổ quốc, vì nhân dân. Cái tên Đặng Thùy Trâm chính vì thế đã trở thành danh từ chung, để nói về tất cả những thế hệ bác sĩ - chiến sĩ đồng thời với chị, cũng như chị đã góp phần làm sáng ngời phẩm chất lương y cách mạng trong khói lửa chiến tranh. Tôn vinh Đặng Thùy Trâm, chúng ta muốn tôn vinh cả một thế hệ những bác sĩ - chiến sĩ từng có mặt trong đội ngũ điệp trùng của thời "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, Mà lòng phơi phới dậy tương lai" (thơ Tố Hữu).

Chị là một người trong đội ngũ ấy và chị được vinh dự thay mặt cho cả đội ngũ truy nhận phần thưởng vinh quang cho cả đội ngũ! Không có gì cao quý bị quên lãng, không có ai anh hùng bị lãng quên, ngay cả khi tên sự việc và con người vì một, hai, ba, bốn lý do khách quan gì đấy không được nêu ra trong danh sách khen thưởng. Danh hiệu Anh hùng LLVTND dành cho bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm là vinh dự chung dành cho cả một đội ngũ những người đồng nghiệp, đồng đội của chị.

Gần đây có tin rằng không chỉ một nước đã dịch tập hồi ký Đặng Thùy Trâm ra ngôn ngữ của họ. Hầu như bất cứ một nhà lãnh đạo quân sự ở bất cứ quốc gia nào đều mơ ước có được những chiến sĩ mang tinh thần như Đặng Thùy Trâm trong đội ngũ của mình. Thậm chí, họ còn tuyên bố rằng, nếu họ có được những chiến sĩ mang tinh thần như Đặng Thùy Trâm thì họ sẽ không thể bị chiến bại trong bất cứ một chiến dịch quân sự nào. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, Đặng Thùy Trâm là hình mẫu mang đậm tính đặc thù của một nước Việt Nam cách mạng, kết tinh đầy đủ những phẩm chất ưu tú nhất của thời mình sống và nơi mình sống.

Chị cũng giống như nhiều đồng nghiệp và đồng đội đã sống và chiến đấu theo những tiêu chí nhân văn, hướng thiện đẹp đẽ nhất của thời đại và dân tộc. Và sẽ là điều rất tốt lành cho đất nước chúng ta, nếu ngày hôm nay, tấm gương của bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm sẽ thổi thêm ngọn lửa vì nước quên thân, vì dân phục vụ cho ngành Y, cho tất cả những "công bộc" của xã hội ở Việt Nam, vì một tương lai tươi sáng hơn của dân tộc Việt Nam. Hy vọng rằng, phong trào học tập gương liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm mà Bộ Y tế sẽ phát động trong dịp này sẽ thu được kết quả tốt, mang lại phúc  lộc cho tất cả chúng ta

.
.
.