Khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nga
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống LB Nga V. Putin
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp lãnh đạo các nước ASEAN
- Thủ tướng kết thúc chuyến thăm Nga, bắt đầu tham dự Hội nghị ASEAN-Nga
Tham dự Hội nghị có các nhà Lãnh đạo ASEAN, Tổng thống Nga Pu-tin và Tổng Thư ký ASEAN.
Tại các phiên họp của Hội nghị diễn ra trong ngày 20-5, các nhà Lãnh đạo Cấp cao ASEAN và Nga đã trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế, kiểm điểm quan hệ Đối thoại ASEAN-Nga trong 20 năm qua và những định hướng lớn cùng các biện pháp cụ thể nhằm đưa quan hệ đối tác lên tầm cao mới.
Hai bên đánh giá cao những kết quả tích cực cụ thể sau 20 năm quan hệ đối tác đối thoại, việc thực hiện Tuyên bố chung ASEAN-Nga về Quan hệ Đối tác toàn diện và tiến bộ và Kế hoạch Hành động Toàn diện giai đoạn 2005-2015.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Về chính trị-an ninh, Nga đã tích cực tham gia vào tất cả các diễn đàn, tiến trình khu vực quan trọng do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt, đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Về kinh tế, thương mại hai chiều tăng hơn 5 lần trong 10 năm qua đạt trên 20 tỷ đô-la Mỹ, lượng khách du lịch Nga đến ASEAN tăng gần 20 lần lên khoảng 2,5 triệu, số khách từ ASEAN sang Nga cũng tăng đáng kể trong những năm gần đây.
Các nhà Lãnh đạo cũng cho rằng còn nhiều tiềm năng và hai bên cần nỗ lực hơn nữa để đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu và mang lại lợi ích thiết thực nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên của ASEAN và Nga có thế mạnh.
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, các nhà Lãnh đạo 2 bên nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết của việc duy trì hòa bình, an ninh ở Châu Á - Thái Bình Dương, vai trò và đóng góp của ASEAN và Nga trong việc xử lý những thách thức về an ninh và phát triển đang đặt ra.
Các nhà lãnh đạo ASEAN và Tổng thống Liên bang Nga V.Putin. Ảnh: BTC |
Theo đó, ASEAN đánh giá cao vai trò của Nga và bày tỏ mong muốn Nga tiếp tục tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác của ASEAN, ủng hộ lập trường và vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.
Các nhà Lãnh đạo ASEAN và Nga cũng chia sẻ quan tâm, tầm quan trọng và lợi ích chung của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông đối với hòa bình và phát triển ở khu vực và thế giới; đề cao lập trường nguyên tắc của ASEAN giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, tự kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Trong khuôn khổ Hội nghị, các nhà Lãnh đạo ASEAN và Nga đã tiếp các đại diện doanh nghiệp ASEAN và Nga tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp ASEAN-Nga, gặp đại diện của Ủy ban hợp tác Á-Âu (EAEU), Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và Ban Thư ký ASEAN về tiến trình hội nhập kết nối kinh tế Á-Âu với khu vực Đông Nam Á.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự phiên toàn thể Hội nghị cấp cao Kỷ niệm 20 năm quan hệ đối tác đối thoại ASEAN - Nga. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị mới tham dự một Hội nghị Cấp cao của ASEAN với đối tác là Liên Bang Nga và đã thể hiện mạnh mẽ mong muốn và vai trò trách nhiệm của Việt Nam tham gia đóng góp thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện và tiến bộ ASEAN-Nga.
Trong phát biểu tham luận tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sáng kiến của Tổng thống Nga Pu-tin và ý nghĩa tổ chức Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN-Nga để trao đổi về phương hướng hợp tác trong bối cảnh quốc tế và khu vực tiếp tục đan xen nhiều thuận lợi và không ít khó khăn thách thức đối với an ninh và phát triển của cả ASEAN và Nga, nhấn mạnh 2 bên có lợi ích chung và nhu cầu cần đẩy mạnh hơn nữa quan hệ đối thoại trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Để thúc đẩy hợp tác 2 bên ngày càng phát triển thực chất và toàn diện hơn, Thủ tướng đã đề xuất các định hướng hợp tác lớn, trong đó tăng cường hợp tác chính trị-an ninh, nhất là trong lĩnh vực an ninh biển, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia; phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại, đầu tư, năng lượng và du lịch…
Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng nhấn mạnh hòa bình, an ninh ở Biển Đông có ý nghĩa thiết yếu đối với hòa bình, an ninh khu vực và toàn cầu, do vậy cần bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; tuân thủ đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002, sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Các nước ASEAN đã có các tuyên bố bày tỏ sự lo ngại sâu sắc, cho rằng các hành động đơn phương sẽ làm thay đổi nguyên trạng tình hình ở Biển Đông, trái với DOC cũng như luật pháp quốc tế, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu cấp bách là các quốc gia liên quan kiềm chế, ngưng các hành động đơn phương như trên, không quân sự hóa, thúc đẩy các cuộc đối thoại và thương lượng để giải quyết tranh chấp và sớm có kết quả thực chất về xây dựng COC, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý quốc tế, tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao vai trò và những đóng góp xây dựng của Nga vào hòa bình, an ninh, hợp tác ở Đông Nam Á trong nhiều năm qua và mong muốn Nga tiếp tục ủng hộ việc duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và các thỏa thuận khu vực.
Cùng ngày 20-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp song phương với Thủ tướng Xinh-ga-po Lý Hiển Long và Thủ tướng Ma-lai-xi-a Na-díp Tun Ra-dắc. Trước đó, tối 19-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã gặp Thủ tướng Thái Lan Pờ-ra-dút Chan-o-cha.
Để tạo khuôn khổ và cơ sở vững chắc cho việc tăng cường hợp tác ASEAN-Nga trong thời gian tới, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Sô-chi và ghi nhận 5 văn kiện quan trọng gồm: Kế hoạch Hành động Toàn diện ASEAN-Nga giai đoạn 2016-2020; Báo cáo khuyến nghị chính sách của Nhóm các Nhân vật nổi tiếng ASEAN-Nga; Kế hoạch hành động ASEAN-Nga về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới; Báo cáo tình hình thực hiện Chương trình làm việc về thương mại và đầu tư ASEAN-Nga giai đoạn 2016-2020 và Chương trình làm việc ASEAN-Nga về hợp tác nông nghiệp và an ninh lương thực. |