Khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37

Thứ Năm, 12/11/2020, 08:04
Sáng nay 12/11, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 (HNCC ASEAN-37) chính thức khai mạc theo hình thức trực tuyến. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tham dự lễ khai mạc và phát biểu chào mừng Hội nghị.


Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì HNCC ASEAN-37, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 23, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 23, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 21, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 17, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Liên Hợp Quốc lần thứ 11, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Mỹ lần thứ 8, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Australia lần thứ 2, Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN-New Zealand, Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23, Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 15, Hội nghị Cấp cao các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo nữ ASEAN. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 41 đại diện Việt Nam phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà Lãnh đạo nữ ASEAN. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ chủ trì các Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 12 và Hội nghị Cấp cao Mekong-Hàn Quốc lần thứ 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác chuẩn bị Hội nghị cấp cao ASEAN 37. Ảnh: VNA

HNCC ASEAN-37 là dịp quan trọng để lãnh đạo các nước ASEAN khẳng định cam kết và quyết tâm chính trị mạnh mẽ nhằm duy trì đà hợp tác và liên kết khu vực, ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19, củng cố vai trò trung tâm và vị thế của ASEAN cũng như định hướng phát triển phù hợp cho ASEAN trong một thế giới đang chuyển động nhanh chóng, phức tạp và khó đoán định. 

Tại các Hội nghị Cấp cao ASEAN và với các đối tác, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung trao đổi 4 nội dung chính, gồm đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng, giữ vững đà hợp tác ASEAN, vượt qua các khó khăn, thách thức; mở rộng và làm sâu sắc quan hệ giữa ASEAN và các đối tác, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực và nâng tầm vị thế quốc tế của ASEAN; kiểm soát hiệu quả và từng bước đẩy lùi COVID-19, tích cực khắc phục hậu quả dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi; và trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Dự kiến các nhà lãnh đạo sẽ thông qua, ghi nhận, công bố hơn 80 văn kiện tại Hội nghị lần này. Đây là số lượng văn kiện nhiều nhất từ trước tới nay. Trong số hơn 80 văn kiện này, đáng chú ý có các văn kiện quan trọng là đề xuất của nước Chủ tịch Việt Nam và được các nước ASEAN và các Đối tác ủng hộ như Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, Tuyên bố Hà Nội về Tăng cường công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo ASEAN+3 về Tăng cường năng lực tự cường kinh tế-tài chính trước các thách thức nổi lên; Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo EAS kỷ niệm 15 năm hình thành Cấp cao Đông Á và Tuyên bố EAS về Hợp tác biển bền vững.

Trước đó, trong các ngày 10-11/11, diễn ra các Hội nghị trù bị. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Hội đồng Điều phối ASEAN lần thứ 28 và Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN lần thứ 22. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 19 và Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trù bị. 

Trước thềm hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, đàm phán Hiệp định RCEP đã được hoàn tất. Các nước tham gia đàm phán đang hoàn tất các thủ tục nội bộ để có thể ký kết Hiệp định. Nếu các thủ tục được hoàn tất kịp thời, lễ ký sẽ diễn ra ngày 15/11. Ông Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, việc ký kết hiệp định sẽ tạo nên một sức bật mới cho sự phát triển thương mại trong khu vực, đặc biệt là giữa các nước tham gia ký kết. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã góp phần đạt được thỏa thuận và đi đến ký kết một hiệp định được mong ước từ rất lâu.

H.Chi - A.Nhiên
.
.
.