Khắc phục những điểm yếu để bước vào cuộc cách mạng 4.0
Theo ban tổ chức, triển lãm “MTA Vietnam 2019” sẽ diễn ra từ ngày 2-5/7 tại Trung tâm Hội chợ & triển lãm Sài Gòn (SECC), thu hút hơn 500 doanh nghiệp (DN) đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trưng bày các thiết bị và công cụ máy trên diện tích 13.900m2.
Theo PGS.TS Phạm Xuân Đà, Triển lãm “MTA Vietnam 2019” là cơ hội rất tốt không chỉ cho doanh nghiệp (DN) cơ khí trong nước, mà kể cả những nhà quản lý, những nhà làm chính sách, nhìn nhận thị trường cơ khí ở khu vực và thế giới xem người ta phát triển thế nào, để từ đó chúng ta có chiến lược phát triển phù hợp hơn. Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để phát triển công nghiệp cơ khí.
Theo chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, đến nặm 2025 tầm nhìn đến năm 2035 ngành cơ khí Việt Nam phát triển với công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quôc tế, đội ngũ lao động chuyên nghiệp có kỷ luật và năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các sản phẩm cơ khí cơ bản đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước. Về xuất khẩu, đến năm 2020 sản lượng đạt 35% tổng sản lượng ngành cơ khí; đến năm 2030 đạt 40% và đến 2035 đạt 45%.
Mục tiêu đến 2025, tập trung phát triển ngành cơ khí ôtô, máy kéo, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, có khả năng đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế và một phần xuất khẩu.
Chính vì giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội nên số lượng DN ngành cơ khí đã tăng rất mạnh. Nếu năm 2010 chỉ mới có 10.000 DN thì đến năm 2016 tăng lên đến 21.000 DN (chiếm 28% tổng số DN công nghiệp chế tạo), trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 16 tỷ USD chủ yếu là các loại thiết bị gia dụng, phụ tùng linh kiện xe ôtô, xe máy, sản xuất kim loại.
Đặc biệt, nhiều sản phẩm trước đây nhập khẩu, đến nay đã từng bước được thay thế, dây chuyền sản xuất trong nhà máy đã được đồng bộ, các DN đã làm chủ được công nghệ tiên tiến và tỷ lệ nội địa háo cũng ngày càng cao.
Tuy nhiên, mặc dù ngành cơ khí chế tạo bước đầu cũng đã có những tiến bộ vượt bậc, nhưng theo báo cáo của Bộ Công Thương về phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập cuộc Cách mạng 4.0, cũng đã chỉ rõ 5 hạn chế đã cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam: Thứ nhất, là yếu về thị trường. Mặc dù ngành cơ khí đa dạng sản phẩm, nhưng do thiếu thông tin nên mở rộng thị trường rất khó khăn, kể cả thị trường trong nước;
Thứ 2, hạn chế về trình độ khoa học công nghệ, do ngành cơ khí trong nước có rất ít sáng chế được đăng ký, thiết bị công nghệ còn chậm đổi mới. Bên cạnh đó hàng rào kỹ thuật trong lĩnh vực cơ khí Việt nam chưa phát triển vững mạnh; thứ 3, hạn chế về nguyên phụ liệu.
Nguyên phụ liệu ngành cơ khí chủ yếu là các loại sắt thép và kim loại màu, nhưng hầu hết các nguyên phụ liệu này trong nước chưa sản xuất được nên phần lớn phải nhập khẩu; thứ 4, nguồn nhân lực vừa yếu vừa thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong khi đó, giai đoạn ngành công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải có đội ngũ nghiên cứu phát triển rất lớn mới có thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra; thứ 5, vai trò của Hiệp hội ngành nghề vẫn còn mờ nhạt.
Vì vậy, trong bối cảnh công nghiệp 4.0 và toàn cầu hoá hiện nay, theo PGS.TS Phạm Xuân Đà, các cơ quan quản lý Nhà nước, DN cần phát huy mọi nguồn lực để thúc đẩy ngành cơ khí phát triển. Cần chủ động nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực, đăc biệt là phải ứng dụng công nghệ mới cho sản xuất cũng như ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thiết kế các sản phẩm cơ khí.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải tiếp cận thị trường quốc tế, và đặc biệt với triển lãm này sẽ là cơ hội rất tốt cho DN cơ khí Việt Nam, kể cả nhưng nhà quản lý, những nhà làm chính sách, nhìn nhận thị trường cơ khí ở khu vực và thế giới xem họ phát triển thế nào để từ đó chúng ta có một chiến lược phát triển phù hợp hơn.