“Kẻ dũng cảm” ngồi trên mái nhà

Thứ Hai, 24/03/2014, 09:09
Xưa, có anh chàng dát như cáy nhưng lại tự cho mình là dũng cảm, khoác lác rằng cóc sợ ai. Một hôm, đang chơi ở sân thì thấy chó sói đi tới, cậu hốt hoảng leo tót lên mái nhà. Từ trên cao, biết sói không thể làm được gì, bèn nói dóc: “Sói kia, ta rất dũng cảm, ta có thể đánh chết mi trong tức khắc”. Sói ngước lên mái nhà, đoạn sói nói: “Này anh bạn, dũng cảm hay không thì hãy xuống đây. Ngồi trên đó mà nói dóc thì có ích gì”...

Cứ ngỡ sói kia và anh chàng nọ chỉ là chuyện ở sách vở xứ nào đấy xa xưa, nhưng mà ngẫm thì hóa ra chẳng phải người xưa khuyên dạy ai xa lạ cả. Giờ cứ lướt mạng, nào Facebook, blog, rồi các trang web cá nhân với vô số những chuyện kiểu này. Diễn đàn mạng không phải của riêng, nó được nhiều người mượn như để tự khoe suy nghĩ, chính kiến của mình, tự đánh bóng chính mình và rất nhiều trong số đó rơi vào sự huyễn hoặc, ảo tưởng đến độ khó gì kéo lui họ.

Tôi cứ nghĩ thế này: Nếu những lời nói yêu nước mà người ta ghi trên Facebook đều là đúng bản chất cả, đều là sự tâm huyết xuất phát từ đáy lòng họ thì người mình hẳn đã giàu to. Nếu những “lời phán” tỏ ra am hiểu thông tường thiên văn, địa lý như vậy thì người mình cũng đã thành bậc thầy lãnh đạo của thế giới. Đành rằng, đó là quyền phản biện, quyền tự nêu chính kiến để góp phần hoàn chỉnh đường lối, chính sách, nhưng quyền gì thì cũng có giới hạn, nếu làm như thể thầy của các thầy thì ai là trò, ai cũng phán như chuyên gia hàng đầu thì ai là người hạng sau?

Song, đáng suy ngẫm hơn cả là những “chém gió” về các vấn đề liên quan biên giới, hải đảo, những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc mà cha ông đã hy sinh bao xương máu để có ngày nay. Chưa bao giờ, trên Facebook, blog, trang web cá nhân lại xuất hiện làn sóng thông tin, bài viết, hình ảnh của các cá nhân về những vấn đề liên quan chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, những cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, chiến thắng Điện Biên Phủ...      

Trong số đó, không ít cá nhân đang chạy theo khuynh hướng xét lại lịch sử. Căn nguyên là bắt đầu từ một bài viết nào đó tự cho “phát hiện mới” về lịch sử, nhưng thực chất là quan điểm xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử bằng thủ đoạn dựa trên nền những hình ảnh, tư liệu về chiến tranh rồi thêm thắt, giật ý chỗ nọ lắp chỗ kia để tạo ra “phiên bản mới”. Từ đó, lên tiếng đòi Nhà nước phải xét lại chỗ này, chỗ kia, thậm chí gây áp lực như kêu gọi tuần hành... Thực tế, những thông điệp này được sản sinh bởi một số đối tượng chống đối, có động cơ tiêu cực, nhưng đáng tiếc là thủ đoạn này đã đánh lừa được không ít cư dân mạng. Chỉ thêm một dấu “like” hay trích dẫn, rồi cho dăm ba bình luận, vấn đề nó đã theo xu hướng khác. Đây là sự nguy hại về nhận thức mà nếu các blogger, nhất là bạn trẻ mất kiểm soát ý thức sẽ dễ dàng tin theo luận điệu của các đối tượng chống phá Nhà nước, nhân dân. Chỉ tính trong quãng thời gian từ cuối năm 2013 tới nay, đã xuất hiện khá nhiều chủ điểm, bài viết theo xu hướng này, trong đó tập trung vào các dịp như 35 năm chiến tranh biên giới phía Bắc, 26 năm trận hải chiến ở đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa); 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ... Những bài viết xuyên tạc lịch sử, cải biên, bôi lem sự thật được lấp đậy bởi nhiều thủ đoạn, kể cả việc bôi lem uy danh các vị tướng gắn với những chiến thắng lẫy lừng.

Vấn đề là tại sao nhiều người cứ đút chân gầm bàn gõ bàn phím hay co ro trong chăm ấm, nệm êm nhấn Iphone, Ipad mà cứ  phán như những bậc thầy thiên hạ, như họ là kẻ tinh thông, trên thấu thiên văn, dưới tường địa lý? Những câu “like” hay bình luận, trích dẫn, thêm thắt vào diễn đàn có nội dung xuyên tạc lịch sử như vậy gây nguy hại khôn lường, bạn có thể vì thiếu hiểu biết, cũng có thể hiểu biết nhưng sai lạc vì động cơ hay đơn giản chỉ là ngẫu hững mà kéo theo hệ lụy truyền thông tiêu cực. Thông minh hay dũng cảm, nó không nằm ở cái rúc đầu trong chăn phán xét qua Iphone, không nằm ở cái bấm phím khi đút chân gầm bàn. Thông minh hay dũng cảm, bậc thầy thiên hạ hay chỉ là kẻ a dua thiếu hiểu biết, nó lộ tẩy chính ở cái cách “đánh hùa hội đồng” qua ảo giác của thế giới mạng hiện nay.

Trong khi biết bao công nhân đang cần mẫn làm việc để có sản phẩm; bao triệu nông dân gò lưng ngoài ruộng để cho cuộc sống luôn ấm nồi cơm; bao triệu học trò dùi mài đèn sách để đất nước này đi lên về trí tuệ; bao vạn chiến sĩ vững chắc tay súng nơi biên cương, hải đảo, nơi sương sóng mịt mùng để cho đất nước này được bình yên, được vẹn nguyên lãnh thổ... thì lại có những kiểu “dũng cảm, yêu nước” kiểu thừa hơi, rỗi việc, tự dấn vào làn sóng truyền thông mạng gây nhiễu loạn thông tin, gây bất an tâm lý, tư tưởng. Có biết bao nhiêu việc cần làm, thể hiện bằng hành động để chứng tỏ rằng bạn yêu nước, chứng tỏ rằng bạn dũng cảm. Phong trào góp đá cho Trường Sa, những học sinh nghèo vẫn biết gom từng đồng tiền ăn sáng gửi tới hải đảo xa xôi. Rồi ngày hội tháng ba biên giới, gửi tới đồng bào nghèo Điện Biên để họ có cuộc sống ấm đầy hơn, giữ gìn vững chắc nơi từng đánh dấu sự sụp đổ chế độ thực dân 60 năm trước. Yêu nước, dũng cảm là hành động phi thường nhưng nhiều khi rất giản dị như thế. Như câu chuyện của ông Phạm Văn Minh, quê ở Nga Thanh (Nga Sơn, Thanh Hóa), người có thâm niên 13 năm liền vác đá xây dựngTrường Sa. Năm 1988, ông Phạm Văn Minh là đại đội trưởng Đại đội 10, thuộc Trung đoàn 131 công binh Hải quân được lệnh ra Trường Sa xây dựng đảo. “Trường Sa với tôi là máu thịt thiêng liêng nhất. Từng viên đá xây đảo, từng ngôi nhà lâu bền đã thấm mồ hôi nước mắt và cả máu của đồng đội. Những ngày xây dựng đảo là những ngày hoa lửa đẹp nhất của đời tôi” - ông bộc bạch với chí khí của những người hành động thực sự vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Yêu nước, cũng có thể là những bức thư chan chứa nghĩa tình và đầy ắp ước mơ của các em học sinh, sinh viên. Phạm Hồng Bảo Trân (ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh), con của người lính công binh Hải quân Phạm Hồng Hà, dốc bầu tâm sự: "Nhà thơ Đỗ Trung Lai đã ví, người lính công binh 131 là “những người kê cao Tổ quốc”. Em rất thích bài thơ của ông, vì đã giúp em hình dung ra công việc của bố dù chưa một lần được nhìn trực tiếp"...

Yêu nước, dũng cảm là bằng hành động, bằng những quan điểm đúng. Còn khi quan điểm còn sai lạc thì bạn đừng làm điều gì ảnh hưởng đến lợi ích chung. Đừng vì huyễn hoặc hay điều gì đó biến mình thành “kẻ dũng cảm” ngồi trên mái nhà như trong truyện ngụ ngôn kia

Đ.T.
.
.
.