Đại hội bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII
Trước đó, trong phiên làm việc ngày 25-1, Đoàn Chủ tịch báo cáo với Đại hội về việc bầu cử và danh sách ứng cử, đề cử bổ sung, các trường hợp xin rút khỏi danh sách đề cử bổ sung Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Đại hội thực hiện quy trình để biểu quyết thông qua danh sách ứng cử, đề cử, các trường hợp xin rút khỏi danh sách đề cử bổ sung.
Danh sách chính thức để Đại hội bầu cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII được hình thành từ hai nguồn: Thứ nhất, danh sách do Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đề cử; nguồn thứ hai là do các đại biểu tại Đại hội ứng cử, đề cử bổ sung. Danh sách bầu cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XII do Đại hội quyết định. Số dư trong danh sách bầu cử chính thức không được vượt quá 30% theo quy định.
Các đại biểu trao đổi tại Đại hội. Ảnh: Việt Hưng. |
Tại Đại hội, nhiều trường hợp được các đại biểu Đại hội đề cử bổ sung đã chủ động xin rút, còn hơn 90 nhân sự được đề cử bổ sung vào danh sách bầu cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, trong số này có 62 nhân sự được đề cử vào danh sách bầu Ủy viên Trung ương chính thức. Chiều 25-1, Đại hội bầu Ban Kiểm phiếu gồm 25 thành viên do ông Nguyễn Thế Trung, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương làm Trưởng ban để thực hiện công tác kiểm phiếu trong quá trình bầu cử tại Đại hội.
Cho ý kiến về vấn đề chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, các đại biểu khẳng định, công tác này được Đảng tiến hành từ rất sớm và chặt chẽ. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng đã triển khai Đề án nhân sự tổng thể từ Trung ương tới địa phương. Công tác đào tạo, quy hoạch, luân chuyển cán bộ được thực hiện bài bản và có quy trình, qua đó thử thách, rèn luyện cán bộ ở các nhiệm vụ khác nhau. Việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cũng được Đảng triển khai một cách đồng bộ, thực chất, dân chủ, công khai, minh bạch.
Ngay từ Hội nghị Trung ương 6 (năm 2012), Trung ương đã thảo luận, thông qua Đề án quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Dự thảo phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã được Tiểu ban Nhân sự tổ chức lấy ý kiến của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương. Điều đó cho thấy, nhân sự cấp cao của Đảng đã được thảo luận, giới thiệu từ các cấp chứ không phải chỉ do Trung ương chuẩn bị.
Thượng tướng Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng cho rằng, đây là lần đầu tiên Trung ương có quy hoạch chiến lược, tức là quy hoạch các đồng chí Trung ương để từ đó luân chuyển đào tạo và chúng ta mở được 6 lớp đào tạo cán bộ chiến lược, học ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Do đó công tác chuẩn bị nhân sự lần này được chuẩn bị hết sức chặt chẽ từ dưới cơ sở lên. Các đồng chí vào Trung ương lần này được Ban Chấp hành Trung ương khóa XI giới thiệu đều qua rất nhiều vòng, giới thiệu từ cơ sở rồi Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị bỏ phiếu. Sau đó ra Trung ương mới chính thức giới thiệu vào BCH Trung ương.
Bên lề Đại hội, Báo CAND ghi lại ý kiến các đại biểu về công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Đại biểu Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tôi tin Đại hội sẽ sáng suốt lựa chọn các đồng chí xứng đáng
Trung ương đã thực hiện một quy trình rất chặt chẽ để lựa chọn và giới thiệu với Đại hội Đảng lần thứ XII những nhân sự đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước, những người có đủ đức và tài để đảm đương trọng trách được giao. Tôi tin rằng Đại hội sẽ sáng suốt lựa chọn được một tập thể các đồng chí xứng đáng tham gia vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII để thực hiện tốt những nhiệm vụ mà Đại hội Đảng đề ra cho nhiệm kỳ tới. Về quy chế, quy trình bầu cử tại Đại hội, tôi cho là rất nghiêm túc, khách quan, đồng thời đảm bảo tính dân chủ, tập trung.
Đại biểu Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Việc chuẩn bị nhân sự công phu, dân chủ
Việc ứng cử, đề cử tại Đại hội được thực hiện rất dân chủ, tập trung. Ví dụ đồng chí A là Ủy viên Ban Chấp hành khóa cũ không được Ban Chấp hành khóa cũ giới thiệu để trình Đại hội, tức là không có trong danh sách giới thiệu mà được đề cử tại Đại hội thì đương nhiên đồng chí đó sẽ xin rút bởi đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành khóa cũ và phải chấp hành Nghị quyết, quyết định của Ban Chấp hành, chấp hành Quy chế bầu cử vừa được thông qua, đương nhiên phải rút. Nhưng quyết định cho rút hay không là do Đại hội quyết định. Như vậy là bảo đảm dân chủ nhất, đồng thời thực hiện được tất cả các quy định, quy chế của Đảng. Những công việc Đảng ta làm để chuẩn bị cho công tác nhân sự tại Đại hội XII cho thấy sự công phu, dân chủ, nghiêm túc, thận trọng trong công tác cán bộ của Đảng. Đó là cơ sở để cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng Đại hội XII sẽ bầu ra được những người đủ đức, đủ tài, xứng đáng để lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới.
Đại biểu Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương: Ứng cử thêm ngoài danh sách cũng được thực hiện dân chủ
Việc đề cử, ứng cử thêm nhân sự ngoài danh sách do Ban Chấp hành Trung ương khóa XI chuẩn bị cũng được thực hiện rất dân chủ. Ý kiến của một người giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cũng được ghi vào danh sách, dù nhân sự đó đã tham gia hay chưa tham gia Ban Chấp hành khóa XI, nhân sự đó là đại biểu dự Đại hội hay không. Theo quy trình, sau khi được đề cử, các nhân sự trong danh sách được đề cử nêu ý kiến. Với các trường hợp xin rút, Đại hội xem xét cho rút hay không cho rút theo hình thức bỏ phiếu kín. Những nhân sự được các đoàn giới thiệu mà không nằm trong danh sách tái cử của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã tự nguyện xin rút, khi ra Đại hội xem xét, quyết định, nếu Đại hội không cho rút thì vẫn được đưa vào danh sách để bỏ phiếu.
Đại biểu Lê Quang Vĩnh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng: Trường hợp Đại hội không cho rút sẽ đưa vào danh sách để bầu
Quy chế bầu cử đã được Đại hội thông qua cũng cho thấy việc ứng cử, đề cử tại Đại hội được thực hiện một cách dân chủ, công khai. Quy chế bầu cử cũng ghi rõ: Ban Chấp hành Trung ương khóa XI có trách nhiệm giới thiệu một danh sách có số dư, nhưng số dư đó chỉ từ 10% đến 15%. Các đại biểu dự Đại hội sẽ tiến hành giới thiệu tại đoàn, đề cử bổ sung để bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Ngay cả khi các đồng chí đã rút rồi mà vẫn được các đại biểu giới thiệu thì Đại hội bỏ phiếu kín thể hiện quyền quyết định của mình là đồng ý hay không đồng ý cho các đồng chí đó rút. Trường hợp Đại hội đồng ý cho rút, đồng chí đó sẽ được rút và không đưa vào danh sách bầu cử tại Đại hội. Trường hợp Đại hội không cho rút thì sẽ đưa vào danh sách theo đúng quy định để bầu. Như vậy là rất rõ ràng, dân chủ.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình: Tôi kỳ vọng những đồng chí được bầu vào Trung ương
Tôi là đại biểu nữ nên mong muốn Đại hội lần thứ XII tiếp tục chăm lo để phụ nữ tiếp tục có cơ hội thể hiện năng lực, phẩm chất, trình độ và bản lĩnh để đóng góp vào sự phát triển đất nước. Tôi kỳ vọng những đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII phải thể hiện năng lực nổi trội, phẩm chất đạo đức, lối sống thật sự gương mẫu, là hạt nhân và là nhân tố quan trọng để tham gia quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước.
Đại biểu Lê Thị Thu Hằng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Hà Nội: Tiêu chí dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm là tiêu chí hàng đầu
Tiêu chí dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm là tiêu chí hàng đầu bởi trong công tác lãnh đạo, yếu tố quan trọng là đưa ra quyết định và để ra quyết định cần sự bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm của người lãnh đạo. Nếu người lãnh đạo không có tố chất này sẽ là hạn chế trong triển khai thực hiện. Ban Chấp hành Trung ương khóa tới là những người lãnh đạo đất nước trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều thay đổi mau chóng, do đó điều quan trọng là những ủy viên Trung ương vừa phải có phẩm chất chính trị vững vàng, vừa có tầm trí tuệ, đạo đức trong sáng, được nhân dân tin tưởng”.