Hội thảo về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự và Luật Đặc xá

Thứ Sáu, 18/05/2018, 08:38
Ngày 17-5, tại Hà Nội, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an (Cơ quan Thường trực Chi hội Luật gia Bộ Công an) đã phối hợp với Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá.

TS. Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Bộ Công an đồng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có các nhà khoa học, hội viên đại diện các tổ, hội thuộc Chi hội Luật gia Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan.

Ngày 8-6-2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 34/2017/QH14 về Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, trong đó giao Bộ Công an chủ trì xây dựng 2 dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá.

Phát biểu tại hội thảo, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh đã nêu những hạn chế trong việc thực hiện Luật Thi hành án hình sự và Luật Đặc xá những năm qua. Theo đó, Luật Đặc xá có hiệu lực từ ngày 1-3-2008. Qua 10 năm thực hiện, Luật Đặc xá đã bộc lộ nhiều khó khăn vướng mắc như: Cơ sở pháp lý khi ban hành không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013; nhiều quy định của Luật Đặc xá không đồng bộ với các luật khác liên quan đến các quy định về đặc xá; việc điều chỉnh những vấn đề liên quan đến đặc xá có yếu tố nước ngoài chưa thực sự được thuận lợi…

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh phát biểu tại hội thảo.

Luật Thi hành án hình sự được ban hành năm 2010, có hiệu lực ngày 1-7-2011. Qua 7 năm thực hiện đã có hàng chục ngàn người bị kết án và chấp hành xong hình phạt được trở về hoàn lương, tái hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật này bộc lộ nhiều điều không phù hợp như: Chưa kịp cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013; chưa phù hợp với các đạo luật mới được Quốc hội thông qua… Do đó, để đảm bảo tính thống nhất và tính hợp hiến thì việc sửa đổi bổ sung 2 luật nêu trên là cần thiết.

Tại hội thảo, các đại biểu về cơ bản nhất trí với nội dung của 2 dự thảo Luật nêu trên. Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cần bổ sung một số quy định như: Làm rõ và cụ thể hơn các quy định về án treo, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự và quyền lợi cho người khiếu nại trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá…

Nguyễn Hương
.
.
.