Hội thảo khoa học cấp quốc gia, thông tin toàn diện về đường Trường Sơn
Chiều 8-5, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Đăk Nông đã họp báo công bố tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh – Biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc”.
- “Giai điệu tự hào” kể chuyện về đường Trường Sơn huyền thoại
- Vị tướng của đường Trường Sơn huyền thoại
- Dấu ấn của vị tướng trên đường Trường Sơn huyền thoại
Đây là hoạt động trọng tâm kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 – 19-5-2019), đồng thời đúc rút những bài học kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược phát triển nghệ thuật tổ chức tuyến vận tải quân sự trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và vận dụng, phát huy những bài học quý, kinh nghiệm hay đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Ban tổ chức hội thảo trao đổi thông tin với báo chí chiều ngày 8-5 tại Hà Nội |
Tiến sĩ, Đại tá Trương Mai Hương, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, trong những năm qua đã có nhiều cuộc hội thảo, công trình nghiên cứu của các tập thể, cá nhân trong và ngoài quân đội đề cập về tuyến vận tải chi viện chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với chủ đề, nội dung và phương pháp tiếp cận khác nhau.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, hội thảo khoa học về đường Trường Sơn được tổ chức ở cấp quốc gia. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu trước đây, cuộc hội thảo lần này sẽ cung cấp một số tư liệu, thông tin tương đối toàn diện về toàn bộ diễn biến của quá trình xây dựng tổ chức thực hiện, bảo vệ tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn. Phục vụ hội thảo, ban tổ chức đã đặt 85 bài báo cáo, tham luận, trong đó có 17 bài tham luận của người viết ở ngoài quân đội và 68 bài của người viết trong lực lượng quân đội.
Tại hội thảo, các đại biểu sẽ tập trung vào hai phần. Phần thứ nhất là các nghiên cứu, đánh giá, phân tích, làm rõ về tuyến vận tải chi viện chiến lược đường Trường Sơn là thành công đặc biệt xuất sắc của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng miền Nam. Đây là kết quả tất yếu của sự thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân, giữa quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đúng đắn, kịp thời trong những thời điểm cụ thể.
Phần thứ hai là các nghiên cứu sâu, tái hiện một cách phong phú, chân thực cuộc chiến đấu cam go, quyết liệt trên tuyến lửa Trường Sơn, quá trình chiến đấu, xây dựng, trưởng thành, sự phối hợp, hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng bảo đảm, vận tải…
Các nghiên cứu này sẽ khẳng định ý chí chiến đấu kiên cường, bền bỉ vì mục tiêu độc lập, tự do, thống nhất đất nước, làm nổi bật nghệt huật quân sự độc đáo, sáng tạo, linh hoạt của quân và dân ta trong quá trình xây dựng, chiến đấu, bảo vệ tuyến giao thông huyết mạch này.
Các tham luận cũng sẽ tập trung làm rõ thêm về mối quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu tình nghĩa, thủy chung giữa quân đội và nhân dân ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia, sự ủng hộ tích cực, chủ động, sự giúp đỡ chân thành, chí tình, chí nghĩa của nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình thế giới, nhất là Liên Xô cũ, Trung Quốc, Cu Ba và các nước xã hội chủ nghĩa.
Dự kiến, hội thảo sẽ diễn ra vào sáng ngày 14-5 tại Trung tâm hội nghị tỉnh Đăk Nông với sự tham gia của 357 đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, các cơ quan đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Tỉnh ủy Đăk Nông, Quân khu 4,5,7 và nhiều nhân chứng lịch sử nguyên là lãnh đạo Bộ Tư lệnh, cơ quan đơn vị thuộc Binh đoàn 12.
Trước đó, các đại biểu sẽ dâng hương tại khu di tích lịch sử cấp quốc gia tại thôn Đồng Tiến, xã Đăk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông.