Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi)

Thứ Ba, 08/03/2016, 09:11
Sáng 7-3, tại Hải Phòng, Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi)”.

Hội thảo nhằm thu thập ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) trước khi dự luật này được Quốc hội bỏ phiếu thông qua tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII tới đây. 

Tham dự hội thảo có PGS.TS. Đinh Xuân Thảo, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp; ông Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng và đại diện Đại sứ quán Anh chủ trì hội thảo. Tại hội thảo, nội dung chính được các đại biểu tập trung thảo luận là các quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, được quy định tại điều 25, Hiến pháp năm 2013.

Theo PGS.TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, việc xem xét quy định trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trong báo chí cần phải được thực hiện thật kỹ lưỡng, đảm bảo tinh thần về quyền tự do báo chí thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ dự thảo Luật. Đồng thời, không tạo kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng, gây phương hại đến an ninh, quốc phòng, tổn hại uy tín, danh dự của các cá nhân, tổ chức, cơ quan và quyền lợi hợp pháp của công dân. 

Quy định về các loại hình báo chí phù hợp với xu hướng phát triển của truyền thông hiện đại, quản lý báo chí, nhà báo, các hành vi cản trở báo chí tác nghiệp…. thu hút sự quan tâm của đại biểu. 

Phát biểu tại hội thảo, đại diện Đại sứ quán Anh tại Việt Nam khẳng định Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ giúp cân bằng giữa việc điều tiết báo chí và hỗ trợ sự phát triển của báo chí Việt Nam. 

Những ý kiến tại hội thảo sẽ góp phần hoàn thiện Luật Báo chí ở Việt Nam tiến gần tới tiêu chuẩn quốc tế, giúp hỗ trợ sự phát triển của báo chí như một công cụ đảm bảo tính minh bạch và tính giải trình của chính quyền. Một số ý kiến tại hội thảo cũng có sự đối chiếu nội dung của dự thảo Luật Báo chí sửa đổi với một số chuyên ngành khác nhằm đảm bảo sự phù hợp và thống nhất của hệ thống pháp luật. 

Tham dự hội thảo có các đại biểu là đại diện của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các nhà khoa học và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và chịu tác động trực tiếp của Luật Báo chí (sửa đổi). Hội thảo diễn ra trong 2 ngày, 7 - 8-3.

Đăng Hùng
.
.
.