Hội nghị toàn quốc về công tác dân vận

Thứ Sáu, 27/05/2016, 14:42
Ngày 27-5, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương đã tổ chức Hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo hội nghị.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, đảng Trung ương, các tỉnh ủy…

 
Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương nêu rõ: Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các Chỉ thị, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận, gồm: Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư về Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Kết luận số 03-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quyết định 290/QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc ban hành quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao vai trò, đóng góp quan trọng của công tác dân vận và đội ngũ những người làm công tác dân vận, góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, nỗ lực cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, giành được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và quan hệ đối ngoại, cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, công tác dân vận cũng còn những mặt hạn chế, yếu kém, đó là việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quyết định của Đảng về công tác dân vận chưa hiệu quả; chưa đánh giá, dự báo kịp thời những diễn biến tư tưởng nhân dân; chậm đổi mới nội dung, phương thức vận động, tập hợp quần chúng trong tình hình mới. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ công tác dân vận, chưa đầu tư thỏa đáng công sức cho công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể; chưa thật sự dựa vào dân để xây dựng Đảng, chính quyền.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, Đảng ta và Bác Hồ luôn xác định dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta và dành nhiều tâm sức cho nhiệm vụ quan trọng này.

Nhấn mạnh một số vấn đề nhằm thực hiện có chất  lượng, hiệu quả hơn nữa công tác dân vận trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Tin ở dân, chăm lo cho dân, lấy dân làm gốc là một bài học lớn được rút ra từ chiều sâu lịch sử đất nước ta… Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Bác Hồ và Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của nhân dân, ý nghĩa cực kỳ quan trọng của công tác dân vận, thường xuyên chăm lo xây dựng và củng cố mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Chính nhờ thế mà mặc dù với số lượng không đông, Đảng ta vẫn có đủ sức mạnh lãnh đạo cách mạng vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù, dù đó là kẻ thù nguy hiểm và hung bạo nhất.

Tổng kết 30 năm đổi mới, Đại hội XII của Đảng một lần nữa rút ra các bài học, trong đó có bài học: Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm lấy dân làm gốc, dân là gốc, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Vấn đề có ý nghĩa quyết định để tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân là Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân; thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; củng cố và xây dựng tổ chức đảng thật trong sạch, khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng thật sự xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ trung thành của nhân dân”.

“Nếu không chăm lo một cách cụ thể, thiết thực đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thì dù có nói bao nhiêu về quan điểm quần chúng, về quyền làm chủ của nhân dân cũng đều là vô nghĩa và không có sức thuyết phục.” Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Bởi vậy, cần có biện pháp cụ thể và tích cực bảo đảm đời sống nhân dân, trước hết là bảo đảm việc làm, chăm lo cái ăn, cái mặc, sức khỏe, việc học hành... của nhân dân; thực hiện nguyên tắc công bằng xã hội, lối sống có văn hóa, bảo đảm an ninh xã hội, an sinh xã hội, an toàn xã hội.

Các cấp ủy đảng, các cơ quan Nhà nước cần động viên, tổ chức nhân dân tham gia rộng rãi và thường xuyên vào các công việc quản lý kinh tế, quản lý xã hội; xóa bỏ nhận thức sai lầm cho rằng công tác vận động quần chúng chỉ là biện pháp tổ chức, động viên nhân dân thực hiện chính sách của Đảng. "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát" phải trở thành khẩu hiệu hành động, thành phương châm công tác vận động quần chúng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu.

Tổng Bí thư đề nghị các cấp ủy đảng, các cơ quan chính quyền cần có biện pháp tích cực giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân viên nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, có ý thức và thái độ đúng đắn với nhân dân, yêu thương, gần gũi, tôn trọng, lắng nghe nhân dân; có chương trình, kế hoạch tiếp dân, giải quyết tốt các đơn, thư… các yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của dân; trừng trị nghiêm minh, thích đáng những hiện tượng trù dập, ức hiếp quần chúng…

Tổng Bí thư yêu cầu, phải làm tốt việc giáo dục, nâng cao phẩm chất cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, coi đây là một nội dung trọng yếu của công tác xây dựng Đảng. Các cấp ủy đảng cần có biện pháp thật kiên quyết và tích cực giáo dục, rèn luyện, quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, đấu tranh với các hiện tượng thoái hóa, biến chất, siết chặt kỷ luật của Đảng, kiên quyết thải loại những phần tử đã biến chất ra khỏi Đảng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng và bộ máy nhà nước, lấy lại lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân.

Minh Hiền
.
.
.