Học Bác Hồ chúc Tết

Thứ Sáu, 28/12/2012, 19:27
Sinh thời, cứ mỗi độ xuân về, Tết đến, Bác Hồ đi thăm và chúc Tết nhân dân. Qua cảnh Tết ở mỗi nhà mà Bác biết được đời sống của nhân dân ra sao. Bác đến với dân thật tự nhiên, quen thuộc, thân thiết như người cha trong gia đình.

Lần đầu tiên, việc thăm, chúc Tết của lãnh đạo được Ban Bí thư Trung ương Đảng quy định rõ trong Chỉ thị mới đây. Ban Bí thư yêu cầu, Tết năm nay, “Không tổ chức để các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm, chúc Tết các địa phương. Kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đảng (03/02/2013) là năm lẻ, không tổ chức đón, tiếp khách tại trụ sở các cơ quan đảng”.

Trước đó, trong chuyến thăm và làm việc tại địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý: Khác với các năm trước, năm nay Trung ương không cử cán bộ về địa phương chúc Tết, tránh gây phiền hà cho cơ sở. Ưu tiên chăm lo, thăm hỏi các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng, gia đình nghèo, vùng đặc biệt khó khăn...

Chuyện lãnh đạo cấp trên xuống cấp dưới thăm hỏi, chúc Tết đã trở thành thông lệ lâu nay. Với lãnh đạo Trung ương xuống địa phương, việc đón tiếp tại trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh, rồi đi thăm một số địa điểm cũng đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng với đầy đủ ban bệ, báo chí để tuyên truyền.                     

Việc lặp lại thường niên như thế lâu dần trở thành thói quen. 

Chúc Tết, đương nhiên cái được thấy rõ, đó là sự động viên tinh thần, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo cấp trên với cấp dưới, của Trung ương với địa phương. Đó cũng là niềm tự hào của địa phương sau một năm tất bật. Nhưng có rất nhiều điều để ngẫm đằng sau đó. Thực tình ba ngày Tết, thời gian gấp gáp, lãnh đạo địa phương phải lo rất nhiều việc. Đoàn chúc Tết của lãnh đạo Trung ương thường đi theo “ban bệ”, phía sau người dẫn đầu là các “tùy tùng”: văn phòng, tham mưu, Bộ này, Cục nọ... Tiếp đón bộ phận “tùy tùng” ấy xem ra mới là cái khó, vì đã là chúc Tết thì mọi cái phải vui, đương nhiên quà cáp lót tay cũng không thể như ngày thường. Mà tất tật, không gì khác đều từ ngân sách, chỉ khác ngân sách đó trích ra sau khi đã phân bổ về địa phương!

Còn về nội dung, hình thức không gì khác là nghe “báo cáo tình hình” và phát biểu chỉ đạo, rồi chúc Tết cũng không ngoài văn bản. Sự lặp lại của điệp khúc nặng nề tính hình thức đó khiến các địa phương đều rập theo khuôn mẫu, lãnh đạo chúc Tết cũng không khác mẫu, chỉ khác tên địa phương nơi đến. Trong khi đó, đời sống thực tại của người dân như thế nào, làm sao để trực tiếp gặp họ mà xung quanh không có “tùy tùng”, lại là điều ít thấy.

Làm sao để việc chúc Tết không sa vào hình thức, lãng phí. Chúc Tết kiểu vi hành, bình lặng đến với người nghèo, người có công để thăm hỏi, động viên đồng bào mà không cần kéo theo ban bệ, không cần nghe đọc văn bản ở hội trường, không cần “nhiệt liệt chào mừng”, ấy mới là chiều sâu của giá trị.

Sinh thời, cứ mỗi độ xuân về, Tết đến, Bác Hồ đi thăm và chúc Tết nhân dân. Qua cảnh Tết ở mỗi nhà mà Bác biết được đời sống của nhân dân ra sao. Bác đến với dân thật tự nhiên, quen thuộc, thân thiết như người cha trong gia đình.

Sáng ngày 30/1/1963 (sau Tết Nguyên đán Quý Mão), Bác Hồ về thăm Nghiêm Xuyên và tiếp xúc với nhân dân. Theo chương trình, đồng bào hai huyện Thường Tín và Phú Xuyên sẽ tập trung ở cánh đồng Nghiêm Xuyên để nghe Bác Hồ nói về chuyện chống hạn. Bác đến sớm hơn giờ hẹn và đi thẳng đến khu cầu Bầu xem tình hình chống hạn. Khi qua Bác rẽ vào một ngôi nhà. Bác hỏi chủ nhà Tết vừa rồi, ăn Tết có vui không? Mọi người đều thưa với Bác vui, riêng có một bà chừng 60 tuổi nói: “Thưa Bác, nhà cháu ăn Tết không vui!”. Bác hỏi: Vì sao? Bà liền báo cáo, vốn gia đình đã nhiều năm có ngôi nhà ở gần đường. Nay huyện có lệnh dời dân để mở rộng đường, không bồi thường, cũng không chỉ dẫn phương hướng cho gia đình chuyển đi đâu, vì thế gia đình ăn Tết không vui. Bác lắng nghe và chỉ thị cho cán bộ địa phương phải tìm cách giải quyết đất ở cho gia đình bà. Khi lên xe, Bác không vui và nói với các đồng chí đi cùng: “Đối xử với dân như thế là không tốt”.

Bác Hồ của chúng ta là như thế. Bác quý dân, yêu dân, đến với dân rất thân ái, gần gũi, nhưng rất cụ thể.

Ngày nay, lệ chúc Tết đã khác xưa nhiều. Trong cái đổi mới của thời đại, người ta vẫn tha thiết nhớ những Tết xưa, nhớ những chuyến đi chúc Tết kiểu vi hành như Bác Hồ, ấm áp, giản dị mà thật sâu sắc, nghĩa tình. Bởi thế, Chỉ thị lần này của Ban Bí thư được dư luận hưởng ứng và chờ đợi sự biến chuyển

Đăng Trường
.
.
.