Hoa Kỳ cần phải thay đổi chính sách áp đặt vô lối về vấn đề nhân quyền!

Chủ Nhật, 19/03/2006, 07:52

Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục lặp lại một sai lầm khi công bố cái gọi là “báo cáo về tình hình nhân quyền các nước trên thế giới năm 2005”. Mỹ vẫn tự cho mình quyền đứng trên tất cả các quốc gia khác, lờ đi sự vi phạm nhân quyền của chính mình, áp đặt tiêu chuẩn nhân quyền kiểu Mỹ mà thực chất là sự can thiệp trắng trợn vào công việc của các nước khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Mở đầu của bản báo cáo thường niên năm 2005 gồm 196 phần mà Bộ Ngoại giao Mỹ cho là đã phản ánh tình hình nhân quyền của tất cả các nước thành viên Liên Hiệp Quốc (LHQ), trừ Mỹ. Bảy nước bị Hoa Kỳ liệt vào dạng quốc gia nơi quyền con người bị “tước bỏ hàng loạt” là: Trung Quốc, Iran, CHDCND Triều Tiên, Myanmar, Zimbabwe, Cuba và Belarus. Nhiều nước khác như Nga, Syria, Lào... cũng bị nêu những vấn đề tiêu cực về nhân quyền và dân chủ. Tất nhiên những điều đó là theo quan điểm của Mỹ. Mặc dù có sự điều chỉnh đôi chút so với báo cáo các năm trước đây, nhưng trong báo cáo năm nay của Bộ Ngoại giao Mỹ về Việt Nam vẫn chứa đựng những đánh giá sai lệch, hàm hồ và về cơ bản là không có gì mới.

Nội dung của bản báo cáo này vẫn thể hiện cách tiếp cận cũ rích, lỗi thời và dựa vào định kiến sai lệch, bảo thủ, cứng nhắc. Tuy Việt Nam không bị nhắc đến như một trong các nước bị coi là vi phạm nhân quyền trầm trọng và có hệ thống nhất, nhưng báo cáo này của Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn ngạo mạn nói rằng thành tích nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2005 vẫn “chưa hài lòng”. Mặc dù Mỹ cho rằng công cuộc phát triển kinh tế tại Việt Nam đã và đang gây ảnh hưởng tích cực tới tình hình nhân quyền ở trong nước, nhưng vẫn có cái nhìn phiến diện, thiếu khách quan, bóp méo hoặc xuyên tạc sự thật.

Về phía Việt Nam, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 9/3, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Dũng đã khẳng định: “Báo cáo nhân quyền năm 2005 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra nhiều nhận xét sai trái, không khách quan về tình hình nhân quyền Việt Nam, viện dẫn những thông tin phiến diện, sai lệch, không phản ánh đúng thực tế ở Việt Nam. Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những nhận xét sai trái đó”.

Có một sự thật là trong nhiều năm qua, Nhà nước Việt Nam đã có những nỗ lực to lớn để người dân được hưởng ngày một tốt hơn và đầy đủ hơn các quyền con người, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao. Người dân ngày càng tham gia tích cực vào quá trình quản lý xã hội, bày tỏ ý chí và nguyện vọng đối với những sự kiện trọng đại của đất nước. Một minh chứng cụ thể là hiện nay, người dân Việt Nam khắp mọi thành phần, khắp nơi trong nước cũng như ở nước ngoài, đang tham gia đóng góp ý kiến cho các dự thảo văn kiện của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X, một hoạt động chính trị - xã hội quan trọng của đất nước.

Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của các công dân. Nhiều văn bản pháp quy đã được ban hành và trên thực tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Tại Việt Nam không có vấn đề đàn áp tôn giáo, phân biệt đối xử về sắc tộc, không có ai bị giam giữ vì bất đồng chính kiến, vì lý do tôn giáo, chỉ có những người vi phạm pháp luật và bị xử lý theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam.

Nhiều người Mỹ cũng không nhất trí với báo cáo này của Bộ Ngoại giao nước họ. Ông Thomas O'Dore, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội, nơi giới kinh doanh Mỹ không để ý lắm tới các báo cáo nhân quyền mà chính phủ đưa ra. Ông O'Dore cho rằng, báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ không phải là cơ sở chính để doanh nghiệp Mỹ quyết định làm ăn tại Việt Nam hay không. Vì vậy mà trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra báo cáo chỉ trích một số vấn đề nhân quyền ở Việt Nam thì trong tuần qua, một đoàn đại biểu gồm hơn 20 doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ vẫn tới thăm và tìm hiểu cơ hội làm ăn ở Việt Nam...

Nhân quyền ở Mỹ như thế nào?

Trong khi đó, thực trạng nhân quyền tại Mỹ năm 2005 còn không ít vấn đề nhức nhối. Chính công dân Mỹ cũng bị đe dọa bởi nạn tội phạm lan tràn và quyền dân sự của họ bị xâm phạm bởi chính các cơ quan thực thi pháp luật nước Mỹ. Đã từ lâu, cuộc sống và an ninh của người dân Mỹ không được bảo vệ đầy đủ và xã hội Mỹ đầy rẫy các vụ bạo lực. Chính báo cáo của Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra ngày 25/9/2005, nói rằng có 5.182.670 vụ bạo lực xảy ra ở nước này năm 2004. Cứ một trong số 47 người Mỹ là nạn nhân của bạo lực.--PageBreak--

Về vấn đề dân chủ, nước Mỹ chỉ luôn dành cho kẻ giàu và là một trò chơi của kẻ giàu. Trong cuộc bầu cử thị trưởng thành phố New York tháng 11/2005, tỉ phú Thị trưởng Michael Bloomberg đã chi 77,89 triệu USD để được tái cử. Như vậy, mỗi phiếu bầu đáng giá 100 USD. Hãng tin AP (Mỹ) đánh giá rằng, đây là cuộc bầu cử thị trưởng tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Nạn phân biệt chủng tộc vẫn kéo dài trong xã hội Mỹ. Mức thu nhập của các gia đình Mỹ gốc Phi chỉ bằng 1/10 so với người da trắng và họ chỉ được hưởng 1/3 mức phúc lợi xã hội so với người da trắng. Mặc dù Mỹ nói tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng đạo luật yêu nước mà chính quyền Mỹ mới gia hạn đã tạo cơ sở pháp lý cho sự vi phạm quyền tự do của công dân Mỹ. Đặc biệt là người theo đạo Hồi ở Mỹ có cảm giác họ bị theo dõi và là công dân hạng hai ở đất nước này kể từ sau sự kiện 11/9/2001.

Trên bình diện quốc tế, Chính phủ Mỹ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và nhân quyền của các nước khác, coi thường các chuẩn mực quốc tế đã được công nhận. Tình trạng vi phạm nhân quyền của quân đội Mỹ tại Iraq, Afghanistan đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Cần phải có sự tôn trọng các nước về vấn đề nhân quyền

Những tiến bộ trong việc thực hiện nhân quyền là thành quả đấu tranh của các dân tộc và nhân dân lao động bị áp bức trên thế giới chứ không chỉ riêng của một nước nào. Đấu tranh và bảo vệ nhân quyền cần tuân theo Hiến chương LHQ, Tuyên ngôn nhân quyền và các công ước quốc tế về nhân quyền.

Cơ cấu và bộ máy quốc tế về nhân quyền hiện bao gồm hai hệ thống: Hệ thống các cơ quan của LHQ được thành lập trên cơ sở các quy định của Hiến chương LHQ và hệ thống các cơ quan được thành lập trên cơ sở các Công ước quốc tế về nhân quyền. Các bộ máy này cần phải nâng cao trách nhiệm và hoạt động có hiệu quả, tuân thủ đúng luật pháp quốc tế, không để một quốc gia hay nhóm nước nào chi phối, thao túng.

Việc dùng quan điểm và cách đề cập của mình áp đặt lên các quốc gia khác là điều không thể chấp nhận. Nhiều nước trên thế giới đã cực lực lên án Mỹ dùng chiêu bài nhân quyền để thực hiện chính sách toàn cầu của mình. Rõ ràng, Chính phủ Mỹ cần nhìn thẳng vào các vấn đề nhân quyền ở chính nước mình, cần chấm dứt hành động khiêu khích sự đối đầu về vấn đề nhân quyền với các nước khác trên thế giới và cần thay đổi chính sách bá chủ trong vấn đề nhân quyền

Thanh Đàm
.
.
.